Khắc ghi cội nguồn
Tình yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Thế hệ thanh niên hôm nay vẫn đang nỗ lực nối dài sợi chỉ ấy thông qua các hoạt động như: Về nguồn, chăm lo người có công, tích cực quảng bá vẻ đẹp văn hóa, những điểm đến mang ý nghĩa lịch sử…
Uống nước nhớ nguồn
Là mái nhà chung của người trẻ, tổ chức Đoàn luôn xem trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn và ưu tiên các chuyến về nguồn để ĐVTN thêm hiểu, biết ơn công lao ông cha đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Theo đó, vào các ngày kỷ niệm, dịp lễ lớn của đất nước, của tỉnh, các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh sẽ tổ chức đến thăm các “địa chỉ đỏ”, thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và ôn lại lịch sử hào hùng. Các “địa chỉ đỏ” cũng vì thế mà thường xuyên được chọn làm nơi tổ chức các chương trình trang trọng.
Chi đoàn Cơ quan Tỉnh đoàn và Đoàn Thanh niên Viễn thông Bình Định tổ chức hành trình đến với địa chỉ đỏ tại Nhà Tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn (26.3.1931 - 26.3.2024). Ảnh: Tỉnh đoàn
Là một trong ba tổ chức Đảng ra đời đầu tiên, Chi bộ Hồng Lĩnh (ở thôn Đại An, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Đảng bộ tỉnh. Với lý do đó, nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2024), Tỉnh đoàn đã tổ chức Lễ Tuyên dương Đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2024 tại đây.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Hồng Hiệp cho biết: “Với việc chọn Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh làm nơi tổ chức sự kiện, Tỉnh đoàn muốn truyền đi thông điệp rằng, mỗi đoàn viên, đảng viên trẻ đều biết ơn và vô cùng tự hào khi trở thành thế hệ kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
“Địa chỉ đỏ” còn là nơi diễn ra các hoạt động gặp gỡ với các nhân vật lịch sử. Mong muốn khơi gợi, nhắc nhớ lại một thời hào hùng cho các cán bộ, nhân viên từng công tác tại Trạm Bác Ái II, giữa năm 2023, Thị đoàn Hoài Nhơn phối hợp cùng Đoàn Thanh niên TTYT TX Hoài Nhơn, Xã đoàn Hoài Phú tổ chức chương trình gặp mặt sau hơn 30 năm xa cách tại chính Di tích Trạm.
Chu đáo chuẩn bị và tiếp đón từng cô chú lớn tuổi đến chương trình, anh Nguyễn Thanh Hậu, Bí thư Đoàn Thanh niên TTYT TX Hoài Nhơn, không khỏi xúc động khi chứng kiến những nhân chứng lịch sử hội ngộ nhau. “Là người trong ngành, chúng tôi càng cảm phục trước sự can trường của bậc cha chú khi giữ vững y đức trong thời mưa bom bão đạn. Mong rằng, những năm sau nữa, cô chú vẫn khỏe mạnh để tiếp tục kể cho thế hệ sau nghe những trải nghiệm, câu chuyện quý báu…”, anh Hậu nói.
Bên cạnh đó, những người có công với cách mạng cũng được quan tâm, chăm lo. Cụ thể, vào những dịp kỷ niệm, ngày lễ của đất nước, nhất là Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Ngày thành lập Đảng, những CCB, cựu TNXP, mẹ Việt Nam anh hùng… luôn được các tổ chức Đoàn đến thăm, không chỉ biếu quà mà còn khám bệnh, cấp thuốc, giúp chỉnh trang nhà cửa, cùng nấu bữa cơm...
Chú trọng “mặt trận số”
Thực hiện chủ trương “số hóa” trên mọi mặt trận, các tổ chức Đoàn, Hội đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào quảng bá văn hóa, lịch sử Bình Định.
Cụ thể, tất cả các đơn vị huyện, thị, thành đoàn đều triển khai chương trình “số hóa địa chỉ đỏ”, tạo mã QR tại các điểm đến nổi tiếng của địa phương. Gần đây nhất, vào đầu tháng 3.2024, tại Đền thờ Liệt sĩ TX Hoài Nhơn, Thị đoàn, Hội LHTN TX Hoài Nhơn đã tổ chức Lễ khánh thành công trình thanh niên năm 2024 “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch TX Hoài Nhơn”.
Theo đó, Thị đoàn, Hội LHTN thị xã đã phối hợp cùng Sở KH&CN tạo 3 mã QR chứa các thông tin bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh giới thiệu 3 điểm đến: Đền thờ Liệt sĩ TX Hoài Nhơn, Di tích Mộ cống quận công Trần Đức Hòa, Di tích Chiến thắng Đệ Đức. Mã QR được đặt tại trung tâm mỗi điểm đến để người dân và khách du lịch có thể dễ dàng tiếp cận, hiểu thêm nhiều điều.
Phó Bí thư Thị đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TX Hoài Nhơn Phạm Ngọc Hoan cho hay: “Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin sẽ giúp đưa những câu chuyện lịch sử sống động đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước thông qua video và dịch thuật song ngữ; thể hiện nỗ lực của thế hệ trẻ trong việc góp phần gìn giữ và quảng bá truyền thống lịch sử, vẻ đẹp của địa phương”.
Song song với đó, nhiều đơn vị đã chú trọng tuyên truyền trên không gian mạng bằng cách tổ chức cuộc thi review điểm đến nổi tiếng, giới thiệu đặc trưng văn hóa, đặc sản… giúp lực lượng ĐVTN cơ sở có dịp thể hiện sức sáng tạo, tạo nên những “sản phẩm số” chất lượng.
Huyện đoàn Vĩnh Thạnh vừa tổ chức thành công cuộc thi “Quảng bá huyện Vĩnh Thạnh bằng tiếng Anh trong thiếu nhi” vào cuối tháng 3 vừa qua. Anh Lương Thành Chương, Bí thư Huyện đoàn, cho biết: “Cuộc thi vừa là cơ hội để học sinh rèn luyện năng lực ngoại ngữ, vừa tạo điều kiện để các em giới thiệu quê hương qua lăng kính riêng của bản thân. Do vậy, ban tổ chức rất vui khi mỗi em mang đến một màu sắc khác nhau, tạo nên cái nhìn đa diện về một Vĩnh Thạnh đầy tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa”.
DƯƠNG LINH