Xử lý nghiêm người đứng đầu tham nhũng hoặc bao che tham nhũng
Thời gian vừa qua cho thấy, người đứng đầu ở một số nơi đã dung túng, bao che cho cán bộ tham nhũng, thậm chí họ đã tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, đến thời điểm đầu tháng 4.2024, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 17 bị can, trong đó có 1 Bí thư Tỉnh ủy, 2 Chủ tịch UBND tỉnh, 1 nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, 1 Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, cùng hàng loạt lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn và các đối tượng liên quan.
Ông Lê Viết Chữ, nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi (ảnh trái) và ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc bị khởi tố liên quan Tập đoàn Phúc Sơn
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố trong vụ án này. Đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Về vụ án này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, thông qua điều tra vụ án, lời khai của một số bị can cho thấy, Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn đã có hành vi chi phối, lũng đoạn một số bị can trong Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để trục lợi. Để làm việc này, Hậu dựa vào các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, đây là một vụ án lớn, một dạng tội phạm mới. Đây là hành vi rất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà còn có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị cấp cơ sở.
Tiến sỹ Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Và thực tế chúng ta đã có quy định của Đảng, quy định của pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu trong việc nêu gương, trong triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng cũng như việc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện tốt hoặc để xảy ra tham nhũng.
Tuy nhiên thời gian vừa qua cho thấy, người đứng đầu ở một số nơi, một số lúc chưa thực sự quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, có những trường hợp dung túng, bao che cho cán bộ tham nhũng, thậm chí là tham nhũng, vi phạm pháp luật…Vì vậy, cần đề cao các quy định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cả về đạo đức, chính trị và pháp lý.
“Có những trường hợp người đứng đầu dung túng, bao che, thậm chí “nhúng chàm”, trở thành một sự vi phạm được che chắn và thực tế nhiều địa phương có tình trạng như vậy. Cho nên vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cũng phải nhìn nhận một cách toàn diện. Trách nhiệm người đứng đầu không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm chính trị”, ông Đinh Văn Minh cho biết.
Tiến sỹ Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cơ quan chức năng đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. 2/3 đảng viên bị xử lý kỷ luật là do sai phạm từ nhiệm kỳ trước đó. Điều này cho thấy thái độ cương quyết, không có vùng cấm trong xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, đảng viên vi phạm như Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Cùng với xử lý nghiêm sai phạm, phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống".
PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, những ai đã trót “nhúng chàm” hay vi phạm kỷ luật, Đảng ta đều kiên quyết xử lý, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng có đóng góp rất lớn vào công tác cán bộ. Những cán bộ nào chứng minh được bản thân qua thực tiễn thì chắc chắn sẽ được đề bạt, bổ nhiệm và sẽ tiếp tục được rèn luyện để trưởng thành hơn; nhưng đồng thời Đảng ta cũng kịp thời đưa ra khỏi hàng ngũ những người không xứng đáng, những người đã vi phạm phải bị xử lý.
Với sự tin tưởng, ủng hộ cùng sự giám sát của người dân thì các cấp ủy đảng cũng cần thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, uốn nắn kịp thời những hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi mới manh nha. Đặc biệt cần phát huy hơn nữa vai trò gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Theo Đình Hiếu-Việt Cường (VOV1)