Lãng phí chợ bò Nhơn Lộc, Nhơn Hậu
Hai công trình chợ mua bán bò tập trung tại xã Nhơn Lộc và Nhơn Hậu (TX An Nhơn) được đầu tư xây dựng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, kỳ vọng giúp người dân mua bán bò thuận tiện, thúc đẩy phát triển nghề chăn nuôi bò ở địa phương. Tuy nhiên, vì không phù hợp nhu cầu thực tế của người dân nên sau nhiều năm, hai công trình phải đóng cửa, xuống cấp, gây lãng phí.
Chợ họp 1 lần rồi nghỉ hẳn
Chợ bò Nhơn Lộc (ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc) được khánh thành, đưa vào hoạt động tháng 9.2019. Công trình được UBND tỉnh hỗ trợ gần 600 triệu đồng để xây dựng trên diện tích 2.500 m2, với các hạng mục hệ thống nước uống, trụ mốc cột bò, bàn cân điện tử, cầu thang dẫn bò lên xe tải… Theo kế hoạch ban đầu, chợ họp phiên định kỳ 5 ngày một lần, giúp người dân thuận lợi mua bán bò, tránh bị thương lái ép giá.
Chợ bò Nhơn Hậu ngừng hoạt động từ năm 2019, ngay sau khi khánh thành. Ảnh: N.C
Tuy nhiên chợ bò hoạt động đến khoảng tháng 6.2020 thì ngưng, tức chưa đầy 1 năm từ lúc khai trương. Từ đó đến giờ chợ bò Nhơn Lộc rơi vào cảnh vắng lặng hoang tàn, bên ngoài cửa đóng then cài, bên trong cây cối um tùm, các hạng mục công trình dần rệu rã, xuống cấp.
Tình trạng của chợ bò Nhơn Hậu (ở thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu) còn thê thảm hơn. Chợ được xây dựng trên diện tích 1.500 m2, với số vốn đầu tư 490 triệu đồng do tỉnh hỗ trợ, hoàn thành vào tháng 5.2019. Lãnh đạo xã Nhơn Hậu cho biết, trong phiên chợ đầu tiên, các hộ nuôi bò ở địa phương và lái buôn cùng tham gia nhưng không có giao dịch mua bán nào diễn ra. Đây là phiên họp chợ duy nhất có đủ kẻ mua người bán, bởi ở lần họp chợ kế tiếp diễn ra sau đó 5 ngày, chỉ có một số lái buôn đến chợ, còn người bán bò thì không ai đến.
Nhiều lần vận động, tổ chức họp chợ nhưng người dân không đưa bò đến chợ, địa phương buộc phải đóng cửa. Cách đây 2 năm, xã giao cho một hộ dân gần đó trông coi, bảo vệ tài sản, tận dụng cắt cỏ trong khuôn viên công trình cho bò ăn. Nhiều năm không hoạt động, chợ bò Nhơn Hậu bây giờ im lìm, cỏ dại bao phủ, các hạng mục xây dựng rỉ sét, rêu mốc loang lổ.
Không phù hợp thực tế
Theo bà Nguyễn Thị Vinh Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, nguyên nhân khiến chợ bò Nhơn Lộc hoạt động không hiệu quả là bởi sau khi chợ đi vào hoạt động, hạ tầng giao thông địa phương phát triển nhờ việc xây dựng nông thôn mới nâng cao; giao thông thuận tiện, thương lái đến tận nhà người dân mua bán bò mà không cần tham gia các phiên chợ. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giá bò những năm gần đây xuống thấp khiến thị trường ảm đạm...
Khung cảnh bên trong chợ bò Nhơn Lộc. Ảnh: N.C
Còn theo người dân địa phương, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lãng phí 2 chợ bò, đơn giản là vì họ không muốn đưa bò đến chợ. Gốc rễ vấn đề là công trình không phù hợp với thói quen, nhu cầu thực tế của người dân, không tính đến những khó khăn khi đưa trâu bò ra chợ. Trâu bò là loại hàng hóa đặc biệt, việc họp chợ không đơn giản như chở con gà, con vịt đi bán.
“Bò nhà nhút nhát, dắt ra đường chạy nhảy lung tung, đá người lạ. Thuê xe vận chuyển thì tốn kém tiền chở đi, chở về, bò dễ bị thương. Bò các nơi tập trung về đông lại sợ lây nhiễm bệnh, rủi ro rất nhiều”, một người dân ở thôn Cù Lâm lý giải.
Đồng tình về những phiền toái, bất cập trong việc đưa bò đến chợ, ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cho biết thêm, chẳng những vận chuyển bò đến chợ khó khăn mà ngay cả đưa bê đến chợ cũng rất khổ sở. “Dắt con bê đi ra chợ không hề dễ dàng, bê đang tuổi bú mẹ, đưa bê đi thì phải đưa bò mẹ đi cùng. Đưa tới chợ chưa chắc đã bán được, phải dắt về. Ngay cả những người dân ở gần chợ cũng không muốn đưa bò, bê ra chợ”, ông Thọ phân tích.
Trong khi đó, thương lái đến nhà người dân trao đổi mua bán lại thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian công sức của cả hai bên. Chưa kể đến việc công nghệ ngày càng phát triển, việc thương lượng, mua bán rất dễ dàng qua mạng xã hội, điện thoại, vừa tiết kiệm thời gian mà hiệu quả hơn nhiều.
Ông Thọ cho hay, để tránh lãng phí cũng như bảo quản công trình tốt hơn, địa phương đang xem xét đề xuất UBND TX An Nhơn cho một đơn vị sản xuất rau sạch tại địa phương thuê nhà làm việc của chợ để làm nơi tập kết, phân loại rau. Còn bà Hằng thì cho biết, chợ bò Nhơn Lộc hiện giao HTX nuôi bò thịt chất lượng cao của xã quản lý, thi thoảng sử dụng phòng làm việc để tổ chức các cuộc họp. Ngoài ra, địa phương chưa biết sử dụng vào mục đích nào khác để tránh lãng phí công trình này.
NGUYỄN CHƠN