Chung tay phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em
Thời gian qua, công tác phòng chống xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em được các cấp, ngành quan tâm. Tuy nhiên, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh vẫn đang có dấu hiệu gia tăng. Do vậy, vừa qua các sở LÐ-TB&XH, GD&ÐT, Y tế và CA tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em để cùng chung tay đẩy lùi tình trạng này.
Đáng báo động
Theo thống kê của CA tỉnh, trong quý I/2024, toàn tỉnh có 17 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, tăng 5 vụ so với cùng kỳ. Trong đó, hiếp dâm người dưới 16 tuổi có 2 vụ, giao cấu với người từ đủ 13 tuổi - 16 tuổi có 12 vụ... Theo đại tá Võ Đức Nguyện, Giám đốc CA tỉnh, trẻ em bị xâm hại thường do sự mất cảnh giác, thiếu ý thức của người thân, đặc biệt là từ sự tha hóa về đạo đức, nhân cách, lối sống của người thân. Đáng đau lòng là đa số trẻ em bị chính người thân xâm hại.
Đại tá Võ Đức Nguyện cảnh báo: Ngày trước chúng ta thường nghe chỉ trẻ em gái mới bị xâm hại, nhưng nay trẻ em trai cũng bị. Tuy nhiên, nhiều gia đình không hay biết, dẫn đến hệ lụy rất nguy hiểm. Những em bị xâm hại rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến suy nghĩ, hành động lệch lạc, từ nạn nhân có thể trở thành thủ phạm. Vấn đề này chúng ta rất ít giáo dục, truyền thông và kiến thức của phụ huynh cũng rất mờ nhạt.
Tháng 1.2024, một bé gái 7 tuổi ở TP Quy Nhơn bị ông cố gần 90 tuổi quấy rối tình dục nhiều lần. Tuy nhiên, sau khi phát hiện, gia đình bé đã bàn bạc và quyết định giấu nhẹm chuyện này vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của bé cũng như ông cố đã lớn tuổi. Do vậy, 17 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục kể trên là đáng báo động, tuy nhiên theo các cơ quan chức năng, đây chỉ mới là bề nổi của tảng băng. Nhiều gia đình vì nhiều lý do không báo với cơ quan chức năng về tình trạng trẻ bị xâm hại.
“Không ít gia đình do bố mẹ, người lớn sống thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình. Mặt khác, đa số trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và gia đình các em đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ bị trả thù nên không dám tố cáo kẻ gây hại và che giấu hoàn cảnh bị tổn thương của trẻ em. Từ đó dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân không được chăm sóc, hỗ trợ”, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết.
Trường THPT số 2 Tuy Phước (huyện Tuy Phước) tổ chức ngoại khóa về nâng cao kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh. Ảnh: ĐVCC
Chung tay bảo vệ trẻ em
Trước thực trạng đó, vừa qua các sở LĐ-TB&XH, GD&ĐT, Y tế và CA tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh. Việc ký kết nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các sở, ngành đối với công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, nhất là việc can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp; đồng thời bảo đảm chỉ đạo thống nhất của các sở, ngành trong công tác này.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh cho biết: Quy chế phối hợp gồm 15 điều, quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, chú trọng đến một số công tác như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch liên quan; truyền thông nâng cao nhận thức; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, các ngành và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em; tiếp nhận và xử lý thông tin; hỗ trợ, can thiệp trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp...
Sau gia đình, nhà trường là nơi gần gũi với trẻ em nhất. Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ trẻ em là mầm xanh tương lai, không chỉ giáo dục kiến thức, việc bảo vệ tinh thần, thể chất cho các em cũng được ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm. Thời gian tới, ngoài thực hiện các công tác theo quy chế phối hợp, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho các em và cán bộ, nhân viên nhà trường. Công tác truyền thông sẽ được tổ chức với hình thức hấp dẫn, tạo sự chú ý, giúp các em tiếp thu tốt thông tin được truyền đạt.
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, đại tá Võ Đức Nguyện khẳng định: “Trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, công tác “phòng” luôn quan trọng hơn “chống”. Với vai trò của mình, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để thông tin rộng rãi đến cộng đồng các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, giúp mọi người nâng cao cảnh giác”.
ĐỖ THẢO