Nhơn Mỹ, quê hương cách mạng tự hào đi lên
Có một cái tên đẹp nhưng Nhơn Mỹ là xã nghèo có hạng ở An Nhơn, khá lên mấy năm gần đây và cái sự khá của Nhơn Mỹ cũng nhanh đáng phấn khởi. Tôi cất tiếng khóc chào đời khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công ở Nhơn Mỹ và kịp chứng kiến từng bước đổi thay nơi đây.
Đất nghèo sinh hào kiệt
Nhơn Mỹ tọa lạc trên vùng bán sơn địa, cách xa phố thị, lại bị chia cắt bởi hai nhánh sông Côn, không thể nói khác hơn Nhơn Mỹ là một vùng quê nghèo. Nhưng quê hương Nhơn Mỹ lại trầm tích bề dày thăng trầm văn hóa, lịch sử cả ngàn năm. Dấu vết cư trú của người Chăm vẫn còn hiện hữu nơi di chỉ gốm Gò Cây Me - Đại Bình, đã hai lần Viện Nghiên cứu Kinh thành phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Định tổ chức khai quật khảo cổ học, xác định đây là một trong 6 trung tâm sản xuất gốm của vương quốc Champa còn lại trên đất Bình Định. Tại làng Tân Kiều còn có dấu vết 4 tháp cổ Champa trong khuôn viên chùa Bửu Tháp và Gò Tháp, dân gian gọi là khu Tháp Lở.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng tham quan Nhà lưu niệm Chi bộ Hồng Lĩnh (TX An Nhơn) tháng 2.2024. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Quê hương Nhơn Mỹ cũng sản sinh ra nhiều người con kiên trung, xả thân vì nghĩa lớn để chống ngoại xâm và cường quyền áp bức. Năm 1756, họ Đặng tại Đại An đã sản sinh ra chàng trai tuấn tú Đặng Văn Long, lớn lên sức mạnh hơn người, trở thành một trong những danh tướng của nghĩa quân Tây Sơn. Hoặc như cuối năm 1886, thủ lĩnh Cần Vương Nguyên soái Mai Xuân Thưởng đã chọn Kỳ Đông - Bàu Sấu ở Nhơn Mỹ làm một trong những nơi xây dựng mật khu và cũng từ đây nhiều người con trượng nghĩa của quê hương Nhơn Mỹ mãi lưu danh sử sách, tiêu biểu có thể kể đến Đặng Thành Tích, Nguyễn Đáng, Nguyễn Cung…
Năm 1908 nổ ra phong trào cự sưu, khất thuế ở miền Trung, khi lan vào đến thành Bình Định thì dâng lên thành cao trào, bao thanh niên trai tráng ở Nhơn Mỹ cắt tóc, hòa vào dòng người gọi nhau “đồng bào”, cùng đấu tranh đòi nhà cầm quyền giảm sưu cao thuế nặng, bị thực dân Pháp và Nam triều khủng bố, lớp hy sinh, lớp bị giặc bắt giam, có người bị đày ra Côn Đảo. Lại có thêm những người con Nhơn Mỹ hy sinh vì nghĩa lớn như tú tài Nguyễn Trực Lượng, sĩ phu Nguyễn Hữu Hào bị giam cầm và chết trong nhà lao thành Bình Định.
Chiếc áo choàng - chiến lợi phẩm thu của địch trong chiến dịch Đông Khê năm 1950 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho đồng chí Huỳnh Đăng Thơ, hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Xứ sở của những người cộng sản
Đầu năm 1930, bị địch bắt đi lính, làm cai đội nhà tù Kon Tum, nhưng sớm giác ngộ cách mạng, người con làng Đại An là Huỳnh Đăng Thơ đã tìm được lối rẽ cuộc đời và đến ngày 10.9.1930 ông được đứng vào hàng ngũ chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kon Tum, Bí thư chi bộ đặc biệt nhà tù Kon Tum, tổ chức cơ sở Đảng sớm nhất ở Kon Tum.
Khi bị địch bắt, gần 4 năm nếm trải từ ngục tù Kon Tum đến nhà lao Buôn Ma Thuột, chất thép của người cộng sản Huỳnh Đăng Thơ đã được trui rèn trong nhà tù đế quốc. Đến cuối năm 1934 mãn hạn tù, đưa ông về Đại An quản thúc, nhà cầm quyền thực dân không thể ngờ rằng Huỳnh Đăng Thơ đã biến không thành có, khi ươm xuống quê hương nhiều hạt giống đỏ, để rồi vào ngày 20.10.1936, giữa đêm đông giá rét, trên Hòn Chùa ở Đại An, Huỳnh Đăng Thơ tuyên bố thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh - tiền thân của ba Đảng bộ An Nhơn, Bình Khê và Phù Cát - sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh Bình Định đã bắt đầu như thế. Lúc mới thành lập, chi bộ có 7 đảng viên, trong đó có 5 người Nhơn Mỹ. Đến cuối năm 1938, con số này đã phát triển thành 38, riêng Nhơn Mỹ có 11 đảng viên, trong đó có 3 anh em ruột Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Đăng Bảng và Huỳnh Đăng Chi.
Trong thu hoạch lúa người dân Nhơn Mỹ dần chuyển sang cơ giới hóa, tiết giảm rất nhiều sức người. Ảnh tư liệu
Từ năm 1939, thực dân Pháp ra sức đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, một số đảng viên Chi bộ Hồng Lĩnh bị địch bắt, số còn lại tìm cách chuyển vùng. Đồng chí Huỳnh Đăng Thơ tạm lánh ra quê vợ ở xã Ân Tường (Hoài Ân), dưới vỏ bọc lập trại tơ tằm để bí mật hoạt động. Cách mạng tháng Tám thành công, nhiều người con của Nhơn Mỹ giữ các trọng trách của chính quyền dân chủ. Huỳnh Đăng Thơ làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Hoài Ân; ở An Nhơn có Nguyễn Thành Mẫn làm Chủ tịch, Huỳnh Đăng Chi làm Phó Chủ tịch, chính quyền lâm thời có 11 thành viên, thì đất cộng sản Nhơn Mỹ có 5 người.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cực kỳ gian khổ hy sinh, đầy máu và nước mắt, Nhơn Mỹ là địa bàn ác liệt, cán bộ bám dân, dân bám đất để tồn tại và phát triển phong trào. Kết thúc chiến tranh, toàn xã chỉ có khoảng 7.000 dân nhưng đã hơn 1.000 người chết, gần 1.200 người có công cách mạng, 426 cán bộ chiến sĩ hy sinh, trên 200 người để lại một phần xương máu nơi chiến trường, gần 100 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, hàng trăm người bị tù đày… Có nhiều cống hiến như thế nên Nhơn Mỹ là xã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT đợt đầu. Toàn An Nhơn có 4 Anh hùng LLVT nhân dân, thì Nhơn Mỹ có 2 người, đó là Trần Thị Kỷ và Võ Thị Yến và là xã có nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng nhất An Nhơn - 55 Mẹ.
Quê nghèo vượt khó đi lên
Nhơn Mỹ bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề nhưng chỉ vài ba năm sau giải phóng đã dần hồi sinh. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hình ảnh bờ xe nước, đập bổi, gàu sòng, con trâu đi trước cái cày theo sau…chỉ còn trong ký ức của lớp người cao tuổi. Hơn 30 năm trước, năng suất lúa của xã thuộc nhóm thấp nhất, nhưng những năm gần đây đạt trên 70 tạ/ha/vụ, lọt vào nhóm cao nhất của thị xã. Từ chỗ là một vùng đất chết sau ngày giải phóng miền Nam, hành trình đi lên của Nhơn Mỹ gắn với thủy lợi hóa, điện khí hóa, mấy năm gần đây toàn bộ đồng ruộng đã được tưới bằng bơm điện và hệ thống kênh Văn Phong, ngay cả thu hoạch lúa người dân Nhơn Mỹ cũng dần chuyển sang cơ giới hóa, tiết giảm rất nhiều sức người.
Năm 2018, Nhơn Mỹ được công nhận xã nông thôn mới, đang phấn đấu về đích xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Từ một xã thuần nông nhưng đến nay tỷ trọng công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã vượt qua 50%; nơi xưa kia chỉ có đồn giặc, hầm hào, kẽm gai nay là hai cụm công nghiệp Tân Đức, Đồi Hỏa Sơn rộng gần 85 ha lấp đầy nhà xưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 12 - 15%, riêng năm 2023 đạt 14,6%. Hàng trăm thanh niên nông thôn mặc áo thợ vào làm việc trong các nhà máy, phân xưởng, họ ly nông chứ không ly hương. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội được đảm bảo, nhất là chính sách đối với người có công và đối tượng yếu thế. Đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2%, 9/9 thôn và 93,8% hộ gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa, BHYT toàn dân đạt 97%...
Xã Nhơn Mỹ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ở một địa bàn sông nước, với hơn 91 km đường làm mới, nắn tuyến, nâng cấp, mở rộng kết nối liên vùng, tạo động lực thổi bừng sức sống một miền quê. Các mạch máu giao thông quan trọng liên tỉnh, liên huyện đi qua trung tâm xã, càng mở rộng không gian đô thị hóa “phố giữa làng”. Xưa kia người dân ở phía nam xã, nhất là hai thôn ốc đảo Hòa Phong, Tân Kiều sang sông phải qua 7 bến đò, thì nay đã có 8 cây cầu kiên cố. Đồi núi Thiết Tràng, Gò Quánh - trung tâm xã trước kia khô cằn sỏi đá, không có bóng cây, mà nay phát triển như phố thị.
Không chỉ người con của quê hương tự hào, ngưỡng vọng, hồi tưởng hướng tới cái mốc lịch sử sáng ngời năm xưa, mà đông đảo khách gần xa trong và ngoài tỉnh cũng về đây tham quan, tìm hiểu, tận mắt nhìn khu di tích lịch sử Chi bộ Hồng Lĩnh. Một quần thể kiến trúc hoành tráng, uy nghiêm, sừng sững trên sườn đồi Đại An, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nghĩa khí của những người cộng sản thuộc lớp tiền bối để có sự ra đời tổ chức cơ sở Đảng từ buổi bình minh cách mạng, ánh sáng chân lý lan tỏa khắp vùng, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi qua từng giai đoạn cách mạng, dẫn đến những đỉnh cao thành tựu.
TRẦN DUY ĐỨC