Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc hơn 11.000 tỷ đồng
Thủ tướng phát động khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hơn 11.000 tỷ đồng, đoạn cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Ảnh: HÀ QUÂN
Sáng 21.4, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức lễ khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng trị giá hơn 11.000 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước khoảng 5.500 tỷ đồng (chiếm 50%), còn lại là do nhà đầu tư phụ trách.
"Theo nhà đầu tư, cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài 60km. Đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn chỉnh có vận tốc tối đa 100km/h, 6 làn xe, 2 làn dừng, rộng 32,25m. Trong đó, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, đoạn Tân Thanh - Cốc Nam có 4 làn xe, 2 làn dừng, rộng 22m, tốc độ tối đa 80km/h".
Thi công cao tốc bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn
Đánh giá cao sự cố gắng hoàn thành thủ tục dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là nỗ lực của các bộ ngành, địa phương.
Việc hoàn thành cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng góp phần thực hiện mục tiêu 3.000km cao tốc đến năm 2025, đồng thời kết nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và 6 cặp cửa khẩu của hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng.
“Khởi công tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là tuyến cao tốc cuối cùng nối Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, TPHCM, Cần Thơ, Cà Mau”, ông nói.
Nói về ý nghĩa của cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 6 điểm.
1. Thực hiện mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc đề ra về phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030.
2. Đáp ứng mong mỏi của nhân dân hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược.
3. Kết nối giao thông, kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Trung Quốc, hai vùng kinh tế động lực Đồng bằng sông Hồng - miền núi phía Bắc, kết nối hai hành lang - một vành đai của Việt Nam với vành đai con đường Trung Quốc. Kế tiếp cao tốc là cầu nối 4 địa phương Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh.
4. Mở ra cơ hội phát triển mới cho cụm cảng tại Quảng Ninh, Hải Phòng với Lạng Sơn, Cao Bằng.
5. Thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra và phát huy tính tự lực, tự cường của các địa phương.
6. Thực hiện chủ trương, hợp tác công tư giữa Nhà nước - nhà đầu tư và sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Ảnh: HÀ QUÂN
Thủ tướng đề nghị địa phương và nhà đầu tư nâng cao đời sống nhân dân nhường đất cho dự án, ít nhất bằng nơi ở cũ.
Các bộ ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trường hợp quá thẩm quyền thì báo cáo kịp thời và phối hợp địa phương với tinh thần “không đùn đẩy, không né tránh, không kéo dài”.
Các tỉnh có cao tốc đi qua phát huy tính tự lực, tự cường, đảm bảo quản lý nhà nước thật tốt trong thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn vệ sinh môi trường…
Nhà đầu tư làm đúng luật, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm và thi công đúng tiến độ, an toàn, chất lượng, vệ sinh môi trường. Các nhà thầu tư vấn, giám sát, thi công có trách nhiệm đảm bảo kỹ mỹ thuật, an toàn lao động, môi trường.
Tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày Tết, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, làm 3 ca 4 kíp.
Thủ tướng và lãnh đạo bộ ngành, địa phương xem đồ án tại khu đô thị Mailand Hoàng Đồng (Lạng Sơn). Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư. Ảnh: HÀ QUÂN
Hàng loạt công nghệ mới đẩy nhanh thi công cao tốc
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho hay cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành tạo lợi thế phát triển trong hành lang kinh tế xuyên Á, "cửa ngõ" giao lưu thương mại với Trung Quốc, Đông Nam Á cũng như phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Là tỉnh biên giới, nguồn lực hạn chế, Lạng Sơn vẫn cố gắng cân đối 2.000 tỷ đồng tham gia dự án, hợp tác với các bên nỗ lực hoàn thành cao tốc, theo ông Đoàn.
Một đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã thông xe, chờ hoàn thiện cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, thông tuyến từ Hà Nội đến biên giới giáp Trung Quốc. Ảnh: HÀ QUÂN
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng hứa với Chính phủ, người dân thực hiện dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”.
"Chúng tôi sẽ tổ chức thi công, kiểm soát tiến độ và chi phí dự án bằng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện tử để kiểm soát vật liệu, công nghệ BIM để quản lý dự án…”, ông Hoàng nêu.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao quà tặng của Ban vận động quỹ vì người nghèo tỉnh Lạng Sơn, hỗ trợ cho 30 hộ dân trong vùng dự án. Mỗi hộ một nhà đại đoàn kết 50 triệu đồng.
Theo HÀ QUÂN (TTO)