Mã số vùng trồng - chìa khóa xây dựng lòng tin vào nông sản
Thời gian qua, tỉnh tập trung khuyến khích các địa phương đăng ký mã số vùng trồng và coi đây là “tấm vé thông hành” xây dựng lòng tin cho khách hàng đối với nông sản và “bệ phóng” để nông sản vươn ra thị trường quốc tế.
Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản... Đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT đã cấp mã số vùng trồng nội địa cho 17 tập thể, cá nhân trong tỉnh, với tổng diện tích gần 128 ha; chủ yếu là các loại cây trồng dưa lê (1 mã/3 ha), rau (9 mã/52,1 ha), bưởi (5 mã/18,7 ha), dừa (2 mã/49,3 ha). Đồng thời, duy trì 3 mã số vùng trồng xuất khẩu, với diện tích 105,2 ha (2 mã xoài và 1 mã dưa hấu); 1 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, là Công ty TNHH Nông sản Vĩnh Bình (huyện Phù Mỹ). Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu nông sản, do đây là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, Bình Định đang đề xuất Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) xem xét cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho 5 vùng trồng ớt với diện tích 207 ha/1.206 hộ tham gia và 5 mã số vùng trồng dừa xiêm với diện tích 62,6 ha, gồm 4 mã ở huyện Phù Cát và 1 mã ở huyện Hoài Ân.
Rau VietGAP của HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) được cấp mã số vùng trồng nội địa, đến nay đã tạo dựng được lòng tin đối với khách hàng. Ảnh: T.LỢI
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: “Việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, DN và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, để được cấp mã số vùng trồng, nông sản phải được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật…”.
Xoài cát Hòa Lộc là một trong hai loại cây trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, với diện tích 105,2 ha; trong đó xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) có 65 ha và xã Bình Tường (huyện Tây Sơn) có 10,2 ha. Nhờ đó, mấy năm gần đây, sản phẩm xoài cát Hòa Lộc khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc, 70 tuổi, ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh hiện có 4 ha xoài cát Hòa Lộc đã cho thu hoạch, chia sẻ: “Với 4 ha này, bình quân mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 30 - 40 tấn trái, với giá bán từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, tôi lãi khoảng 40 triệu đồng/ha. Đây là khoản thu nhập khá ổn với những người nông dân như chúng tôi”. Khẳng định cấp mã số vùng trồng có thể được coi là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản, là điều kiện cần thiết và là bước tiến quan trọng cần phải làm để nông sản của tỉnh có thể bước chân vào các thị trường khó tính, nhưng ông Ngọc cũng cho rằng, diện tích đất trồng cây xoài cát Hòa Lộc trong tỉnh chưa nhiều, dẫn tới nguồn hàng được xuất sang thị trường Trung Quốc qua đường chính ngạch còn khiêm tốn.
Việc sở hữu mã số vùng trồng được HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) xác định là con đường nhanh nhất để rau các loại có thể tiếp cận với các siêu thị, cửa hàng rau sạch an toàn. Sau nhiều cố gắng, đầu năm 2023, HTX Nông nghiệp Phước Hiệp đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng nội địa cho 13,5 ha rau an toàn hợp chuẩn VietGAP. Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp, thông tin: Đến nay, bình quân mỗi tháng, HTX kết nối tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và các quầy bán rau an toàn hơn 25 tấn rau các loại. Khi mua sản phẩm của HTX khách hàng dễ dàng kiểm soát được quy trình sản xuất, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm thông qua mã QR có trên bao bì.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT phân tích, để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình sản xuất về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Các vùng trồng đủ điều kiện sẽ được cấp mã số và được giám sát, kiểm tra định kỳ. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ bị loại khỏi danh sách các vùng trồng được phép xuất khẩu và thu hồi mã số đã cấp. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng đẩy mạnh áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín…, nhằm góp phần bảo đảm, ổn định giá, thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn cho nông dân.
TRỌNG LỢI