Nâng cao nhận thức về nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành trong nước xảy ra một số vụ học sinh, người dân, du khách ngộ độc thực phẩm. Ðể góp phần phòng ngừa, cần có những hình thức tuyên truyền hiệu quả.
Trong tháng 3.2024, tại tỉnh Khánh Hòa xảy ra 2 vụ ngộ độc tập thể. 369 người bị ngộ độc sau khi ăn tại một quán cơm gà vào buổi trưa, chiều trong 2 ngày liên tiếp. Nguyên nhân được kết luận là thức ăn bị lây nhiễm chéo các vi khuẩn gây ngộ độc. Sau đó, 12 học sinh tại một trường học ở Khánh Hòa bị ngộ độc thực phẩm phải điều trị tại cơ sở y tế. Qua xác minh, kiểm tra, có 3 cơ sở thức ăn đường phố bán hàng rong trước cổng trường liên quan, đều không có giấy tờ theo quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Đến đầu tháng 4.2024, cũng trên địa bàn một huyện của tỉnh Khánh Hòa lại có hàng chục học sinh nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân do ăn cơm nắm, cơm cuộn bán trước cổng trường học.
Nhiều học sinh mua đồ ăn uống của người bán hàng rong trước cổng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) sáng 19.4. Ảnh: H.T
Từ các vụ việc trên, chúng tôi đã khảo sát sơ bộ tại TP Quy Nhơn là nơi tập trung nhiều nhất các điểm bán hàng rong. Gần trước cổng trường hay xung quanh khu vực các trường học trên địa bàn thành phố (nhất là các trường tiểu học) đều có nhiều điểm phục vụ ăn uống cho học sinh, có thể tạm phân chia thành 3 dạng: Người dân có nhà hoặc thuê nhà ở gần trường kinh doanh; người bán ở vỉa hè cố định trước cổng trường; người bán xe đẩy di động đến các trường.
Trên nhiều tuyến đường chính, đông người qua lại ở Quy Nhơn, nhất là ở các phố ẩm thực, có thể thấy “bùng phát” ngày càng nhiều hàng quán ăn uống vỉa hè. Đó là chưa kể đến các hàng quán trong ngõ, hẻm, xe bán đồ ăn vặt lưu động… Thực phẩm bán ở các hàng quán vỉa hè có nhiều khả năng không đảm bảo vệ sinh do ảnh hưởng bởi bụi bặm đường phố, điều kiện bảo quản, vệ sinh thực phẩm không đúng, đủ…
Theo chủ một DN lữ hành, do được giới thiệu, quảng bá trên mạng xã hội, nhiều điểm ăn uống vỉa hè ở TP Quy Nhơn là nơi thu hút du khách tìm đến. Trong khi các DN lữ hành thường chỉ đưa khách đến các nhà hàng, quán ăn có uy tín, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh ATTP.
“Chúng tôi cũng lo nếu du khách “tự phát” đi ăn ở vỉa hè chẳng may bị ngộ độc thực phẩm, mình cũng phải lo hỗ trợ chạy chữa cho khách, đồng thời ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Bình Định”, người này chia sẻ.
Ngày 4.4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024 trên địa bàn tỉnh, thực hiện từ 15.4 - 15.5. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024 do Sở Y tế tổ chức ngày 11.4, một trong những khó khăn, hạn chế được đại diện các sở, ngành, địa phương nêu ra là lực lượng ở cơ sở làm công tác quản lý ATTP vừa thiếu vừa yếu; nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ, nhất là hàng rong, dịch vụ thức ăn di động… dẫn đến bất cập trong quản lý, xử lý vi phạm ATTP.
Có thể thấy, dù tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm thì cũng khó bao quát, xử lý hết. Do đó, về lâu dài và thường xuyên hơn, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm ATTP.
Theo chị Phạm Thị Minh Nguyệt (làm việc trong một đơn vị nhà nước, có 2 con nhỏ đang học cấp tiểu học, THCS ở TP Quy Nhơn), nếu chưa dẹp được các điểm bán hàng rong ăn uống trước cổng trường, trước hết cần quan tâm tuyên truyền cho mọi người, nhất là những người bán hàng, về ATTP.
“Nếu nhà trường không có lực lượng để tuyên truyền thường xuyên, có thể đề nghị các hội, đoàn thể ở địa phương nơi có trường học hỗ trợ. Việc tuyên truyền nên thông tin cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, như về các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến học sinh đã xảy ra, nguyên nhân, cách phòng tránh, đồng thời bị xử lý thế nào nếu vi phạm…”, chị Nguyệt ý kiến.
HOÀI THU