Chống khai thác IUU cần sự chung tay, nỗ lực của cộng đồng quốc tế
Ngày 23.4, tại TP Đà Nẵng, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Mỹ đã phối hợp cùng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là cảng cá lớn nhất miền Trung. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Hội thảo diễn ra trong 3 ngày (từ 23 - 25.4) với hơn 70 đại biểu là các chuyên gia quốc tế và khu vực trong lĩnh vực thực thi pháp luật thủy sản, đến từ 12 quốc gia: Mỹ, Australia, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương Quốc Anh, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Hội thảo trao đổi, cập nhật về xu hướng toàn cầu trong đấu tranh chống IUU; thách thức về nghề cá trong khu vực; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, các công cụ về theo dõi, kiểm soát và giám sát tàu cá…
Các chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ về kinh nghiệm xử lý vi phạm IUU trong nước và quốc tế thông qua các bài tập tình huống giả định.
Tại hội thảo, đại diện Bộ NN-PTNT, cho biết, vấn đề khai thác IUU là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hệ sinh thái biển và thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá bền vững.
Hội thảo diễn ra tại TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Việt Nam xác định rõ phát triển nghề cá bền vững mới giải quyết vấn đề khai thác IUU. Do vậy, thời gian qua, ngành thủy sản đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ chiến lược, các đề án phát triển trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản; bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng xây dựng và phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm.
Các đại biểu cho rằng, việc chống khai thác IUU cần sự chung tay, nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực.
Đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật trong chống khai thác IUU, như:
Đạt được sự thống nhất nhận thức cao và hành động quyết liệt trong tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và đạt sự đồng thuận của toàn xã hội đối với thực hiện các quy định của pháp luật, các quy định về chống khai thác IUU.
Xây dựng được khung pháp lý toàn diện đầy đủ về quản lý nghề cá có trách nhiệm và chống khai thác IUU theo chuẩn quốc tế.
Công tác quản lý tàu cá có nhiều chuyển biến tích cực như: xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá, kết nối từ Trung ương đến địa phương; trên 97,65% (28.797/29.8489) tàu cá hoạt động vùng khơi (có chiều dài từ 15m trở lên) được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS.
Vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản được thực hiện và kiểm soát theo chuỗi, từ khâu kiểm soát sản lượng qua cảng đến cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản từ Trung ương đến địa phương, tạo dữ liệu tổng hợp phục vụ cho công tác thực thi pháp luật.
Theo XUÂN QUỲNH (SGGPO)