Ðầu tư nguồn lực đủ mạnh để ngành nông nghiệp phát triển toàn diện
Ðó là chỉ đạo quan trọng của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, tại phiên họp thứ 9 của Thường trực HÐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 về giải trình, chất vấn thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, diễn ra ngày 25.4 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Phiên họp có sự tham dự của các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Văn Phi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; trưởng, phó các ban của HĐND tỉnh; thủ trưởng các sở, ngành, địa phương.
Nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống
Theo báo cáo giải trình của Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, trong thời gian qua, HĐND tỉnh đã có 10 nghị quyết về ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể gồm: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ; hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; khuyến khích nuôi gà thả đồi; khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc giải trình làm rõ việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: N.HÂN
“Qua triển khai thực hiện, nhìn chung các chính sách của HĐND tỉnh ban hành đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển”, ông Phúc đánh giá.
Theo giải trình của lãnh đạo Sở NN&PTNT, điểm nổi bật trong thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ là góp phần hình thành các vùng sản xuất cây trồng cạn tập trung, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các DN tham gia liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản. Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ thực hiện chuyển đổi hơn 8.875 ha, tổng kinh phí hỗ trợ gần 14 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng trồng đậu phụng tập trung ở các xã: Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Lâm, Cát Tài (Phù Cát), xã Bình Thuận, Bình Tân (Tây Sơn); vùng trồng ớt tập trung ở các xã: Mỹ Tài, Mỹ Hiệp, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Quang (Phù Mỹ), xã Cát Tài, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hanh (Phù Cát)… Qua đó, góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
Đối với chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2021 đến nay, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và huyện, vốn đối ứng của hộ chăn nuôi, mỗi năm toàn tỉnh có trên 100 nghìn con bò thịt được phối giống bò lai chất lượng cao, với các giống bò Red Angus, BBB. Chính sách này đã góp phần nâng tỷ lệ bò lai của tỉnh đạt hơn 92% tổng đàn (cao nhất cả nước), đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi của người dân.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng cũng được triển khai có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ gần 127 tỷ đồng để kiên cố hóa kênh mương. Trong đó, hỗ trợ bằng tiền hơn 83 tỷ đồng, hỗ trợ xi măng quy đổi thành tiền hơn 43,5 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố được trên 411 km kênh mương, đạt 68,5% tổng chiều dài kênh mương toàn tỉnh…
Vẫn còn “điểm nghẽn”
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý là chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi.
Tham gia chất vấn lãnh đạo Sở NN&PTNT, đại biểu Sô Y Lũy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đặt vấn đề: Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 20.7.2022 về chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi với mục tiêu nhằm hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển chăn nuôi gà bền vững. Tuy nhiên, qua 2 năm thực hiện chỉ có 6 hộ gia đình ở Hoài Ân tham gia, với quy mô 36.200 con; trong năm 2024 có thêm một số hộ ở Tây Sơn đăng ký tham gia. Các địa phương như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão chưa có nông dân nào đăng ký. Đề nghị làm rõ nguyên nhân.
Cần phải có chính sách, nguồn lực đủ mạnh để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Ảnh: DŨNG NHÂN
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Trong thời gian triển khai thực hiện chính sách nuôi gà thả đồi, từ tháng 8.2022 đến tháng 5.2023 có một số yếu tố khách quan như thời tiết không thuận lợi, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao và giá gà thịt duy trì ở mức thấp, chăn nuôi không có lãi. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai chính sách, một số hộ gặp phải khó khăn, vướng mắc về vốn, đất đai khi xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên đất đồi. Chính quyền tại một số địa phương chưa thật sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục để người chăn nuôi triển khai thực hiện làm chuồng trại trên đất lâm nghiệp.
Tham gia giải trình thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, bản chất của chính sách nuôi gà thả đồi là khuyến khích để nông dân chuyển từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi tập trung ở các vùng trung du, miền núi, gắn với chuỗi tiêu thụ, chế biến. Quy mô đàn phải từ 3.000 con trở lên đối với mỗi hộ mới được hỗ trợ kinh phí mua giống, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ theo chuỗi…
“Câu chuyện nông dân chưa mặn mà với chính sách này không phải vướng ở chỗ chính sách chưa đủ mạnh mà quan trọng nhất là việc hướng dẫn thực hiện ở các địa phương còn cứng nhắc quá. Chính từ việc địa phương còn thiếu quan tâm, không kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, dẫn đến chính sách chậm đi vào cuộc sống”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nói.
Tập trung nguồn lực đủ mạnh cho phát triển nông nghiệp
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được qua thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, sớm có giải pháp tháo gỡ.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: N.HÂN
“Bình Định có hơn 60% dân số sinh sống ở nông thôn. Thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế của tỉnh gặp khó khăn, chính ngành Nông nghiệp là “bệ đỡ”. Do đó, cần phải có chính sách, nguồn lực đủ mạnh để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân”, đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu.
Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành rà soát, xem xét, quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư đủ mạnh để tạo cú hích đưa ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa. Cùng với đó, có chính sách thu hút các DN, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo sự liên kết bền vững từ khâu phát triển vùng nguyên liệu đến thu mua, chế biến, xuất khẩu…
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đến các địa phương, người dân để nắm bắt, hưởng ứng, thực hiện; định kỳ tiến hành sơ, tổng kết, nhằm đánh giá kết quả thực hiện, có biện pháp điều chỉnh các chính sách chưa phù hợp, đảm bảo phát huy hiệu quả từng chính sách.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, ngay sau phiên họp này, UBND tỉnh sẽ có cuộc họp để xem xét, đánh giá cụ thể từng chính sách. Đồng thời sẽ phân định rõ trách nhiệm từng ngành, từng đơn vị, địa phương. Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ quan tâm tăng cường nguồn lực đầu tư để thực hiện các chính sách, nhằm tạo cú hích trong phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân.
NGUYỄN HÂN