Lãi suất giảm sâu, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%. Tuy nhiên, đến ngày 31.3, tổng dư nợ cho vay cũng chỉ tăng 1,22% so với đầu năm.
Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đồng thời triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vay tiêu dùng, sản xuất kinh doanh (SXKD).
Nhân viên Sacombank Bình Định tư vấn khách hàng vay vốn. Ảnh: T.SỸ
Hiện lãi suất cho vay đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam được Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định), niêm yết công khai là 4,5%/năm kỳ ngắn hạn dành cho cả tổ chức và cá nhân; lãi suất 8,9%/năm kỳ trung hạn dành cho tổ chức, DN và 9,2% dành cho cá nhân. Đối với các đối tượng khác, lãi suất cho vay kỳ ngắn hạn phục vụ kinh doanh và phục vụ đời sống dành cho DN là 7,5%/năm; kỳ trung hạn là 10%/năm.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho biết: Hiện thanh khoản dồi dào, lãi suất thấp hơn nhiều so với cuối năm 2023, ngân hàng cũng đã chủ động kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Nhưng lượng khách hàng có nhu cầu vay vốn vẫn không nhiều thêm; vì thế, dư nợ cho vay quý I/2024 giảm 200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, nhiều chi nhánh ngân hàng khác như: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, HDBank… cũng khá vất vả trong việc tăng dư nợ cho vay. Ông Lê Vũ Cảnh, Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Bình Định (Sacombank Bình Định), cho hay: Hiện lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh thấp nhất là 7,2%/năm, giảm 1,6%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất là 10%/năm, giảm 1,5% nhưng lượng khách hàng đến vay vẫn không nhiều, dẫn đến dư nợ cho vay quý I/2024 của Sacombank Bình Định không tăng.
Đối với Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Định (HDBank Bình Định), dù dư nợ cho vay tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng ông Cai Văn Tuấn, Giám đốc HDBank Bình Định, vẫn nghiêm túc đánh giá, mức tăng trưởng nói trên không phản ánh đầy đủ kết quả hoạt động cho vay của ngân hàng, bởi trong nhiều lĩnh vực mà ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, chỉ có dư nợ cho vay ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có tăng trưởng, còn các lĩnh vực khác như cho vay tiêu dùng, đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD) thì không tăng.
Ở góc độ là khách hàng của nhà băng, bà Đồng Thị Ánh - Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân Bình Định, Tổng Giám đốc Tổng Công ty PISICO Bình Định - Công ty cổ phần, nhìn nhận: Lãi suất cho vay hiện tại là khá hấp dẫn, các đơn vị trực thuộc Tổng công ty chưa gặp trở ngại nào trong vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển SXKD. Về phía Hội Nữ doanh nhân, hiện có nhiều DN thành viên còn đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ nên chưa có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển SXKD vào thời điểm này. Tuy vậy, các DN đều mong muốn phía ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng, duy trì hoặc tiếp tục giảm lãi suất cho vay thấp hơn nữa, đơn giản hóa thủ tục, giải quyết nhanh nhu cầu vay vốn khi các DN có nhu cầu.
Đến ngày 29.2, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh giảm 1,12% so với tháng 1; đến ngày 31.3, hoạt động cho vay khá hơn, dư nợ tăng 1,22% so với đầu năm. Theo ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, thông thường quý/IV hằng năm, hoạt động cho vay sôi động, tăng trưởng tín dụng tốt. Còn vào tháng 1 và tháng 2, do trùng vào đợt nghỉ tết Nguyên đán, nên hoạt động tín dụng sẽ giảm. Năm nay còn có thêm một yếu tố nữa là nền kinh tế chưa khởi sắc, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN, người dân, nhu cầu vay vốn đầu tư vì thế mà giảm mạnh.
“Tăng trưởng tín dụng mang lại nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì thế, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng; tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; chú trọng công tác chuyển đổi số, áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng”, ông Nguyễn Trà Dương cho biết.
PHẠM TIẾN SỸ