KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ÐIỆN BIÊN PHỦ
Lời ngay thẳng của tướng Phạm Kiệt
▪ Ghi chép của TRẦN ĐĂNG
Chuyển hướng từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Người “gỡ khó” cho tướng Giáp để ông đưa ra quyết định chính xác là tướng Phạm Kiệt, nguyên Ðội trưởng Ðội Du kích Ba Tơ.
Lần theo nhiều tư liệu, tài liệu lịch sử sẽ thấy ý kiến tham mưu của tướng Kiệt không phải là một chớp sáng rực rỡ nhất thời, nó là tinh hoa của một người cách mạng, trui rèn qua thực tế kháng chiến bền bỉ.
Một góp ý thẳng thắn và quan trọng
Cuối năm 1953, thực dân Pháp đã hình thành tại Điện Biên Phủ một tập đoàn cứ điểm tầm cỡ quyết tâm một trận sống mái với Việt Minh. Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch đã có cuộc họp quan trọng và đưa ra quyết định, phải tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này để kết thúc chiến tranh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ và Trung ương giao trọng trách nặng nề: Ra trận và trực tiếp chỉ huy chiến dịch này! Trước khi ra trận, tướng Giáp có gặp Bác Hồ để nghe thêm những lời chỉ giáo. Người vỗ vai Đại tướng, nói: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng, không đánh”. Câu nói tưởng như đơn giản và dễ hiểu ấy nhưng hàm chứa trong đó cả một ý tưởng lớn của nhà chiến lược quân sự có tầm nhìn xa! Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem đó vừa như một lời dặn dò ân cần, vừa như mệnh lệnh của vị lãnh tụ kính yêu.
“Không chắc thắng, không đánh”- Lời căn dặn của Bác Hồ cứ theo vị tướng ra trận với cảm giác an lòng nhưng cũng không ít những ám ảnh. Thế nhưng khi trực tiếp xáp mặt với thực tế thì có muôn hình vạn trạng những tình huống đòi hỏi người chỉ huy vừa phải hết sức tỉnh táo nhưng phải quyết đoán.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh tư liệu
Theo kế hoạch “đánh nhanh” được Bộ chỉ huy mặt trận thống nhất là đến ngày 25.1.1954, ta khai hỏa mở đầu chiến dịch. Kể từ cuộc họp ngày 14.1.1954 đến ngày nổ súng 25.1 là 11 ngày. Gần như tướng Giáp không đêm nào trọn giấc trong suốt 11 ngày chờ đợi căng thẳng ấy. Ông vừa theo dõi tình hình quân Pháp tăng cường cho Điện Biên bao nhiêu xe tăng, trọng pháo, cách bố trí của địch ở các địa điểm trong lòng chảo Điện Biên như thế nào… do các đầu mối trinh sát và tình báo gửi về, lại vừa dõi theo từng bước của bộ đội ta tiếp cận mục tiêu ra sao. Thế rồi, do kế hoạch của ta có dấu hiệu bị lộ, toàn mặt trận phải dời sang ngày 26.1.1954. Dù vậy, ngày ấy vẫn không thể nổ súng được vì có vẻ như “không chắc thắng”.
Trung tướng Phạm Kiệt (1910 - 1975), quê xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi). Ông là Đội trưởng của Đội Du kích Ba Tơ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông có người em là Phạm Thị Trinh, vợ tướng Nguyễn Chánh (1914 - 1957), Tư lệnh kiêm Bí thư khu ủy Khu 5 trong kháng chiến chống Pháp.
Bộ chỉ huy mặt trận lại họp để nghe báo cáo từ các mũi tấn công báo về. Trong các báo cáo từ thực địa chiến trường ấy, có một cuộc gọi rất ngắn gọn nhưng nó rất quan trọng để vị tổng chỉ huy chiến dịch Võ Nguyên Giáp đưa ra quyết định cuối cùng. “Đề nghị Đại tướng xem lại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”. Người mạnh dạn đề xuất ý kiến ngay thẳng đó chính là tướng Phạm Kiệt, được tướng Giáp cử đi công tác chiến trường để nắm toàn bộ tình hình chuẩn bị của bộ đội ta tại mặt trận Điện Biên.
Đó là góp ý mạnh dạn, trực diện và thẳng thắn nhất từ thuộc cấp mà tướng Giáp nghe được. Nó hoàn toàn không chút vòng vèo mà đi thẳng luôn đến cốt lõi, then chốt quan trọng mà người được tham mưu cần nghe. Ý kiến đó đã tiếp thêm niềm tin để tướng Giáp đi đến quyết định thiên tài: “Kéo toàn bộ các trận địa pháo và bộ binh ra khỏi hiện trường, lui về vị trí cũ, thay đổi phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Vì sao phải “đánh chắc, tiến chắc”?
Vì nếu khai hỏa đúng như dự định ngày 26.1.1954 thì phần thua là điều gần như không tránh khỏi. Không thể đánh nhanh trong 3 ngày 2 đêm mà tiêu diệt được toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong lúc chúng ta chuẩn bị chưa kỹ. Thực tế chiến trường lúc ấy đã bộc lộ nhiều hạn chế. Toàn bộ các trận địa pháo của ta phơi mình trong tầm hỏa lực của địch, làm miếng “mồi ngon” cho các cuộc oanh kích từ máy bay của Pháp và trọng pháo của địch từ lòng chảo Điện Biên bắn ra. Đó là chưa kể, vì phải kéo pháo bằng sức người trên quãng đường 15 km trong 5 ngày nên nhiều khẩu đội chưa thể tiếp cận đến vị trí và không thể khai hỏa được.
Trọng pháo là hỏa lực quyết định then chốt, quyết định thành bại của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tướng Phạm Kiệt đã đến sát trận địa và xem xét toàn bộ cách bố trí của pháo binh lẫn bộ binh. Bằng nhãn quan của một vị chỉ huy từng trải ngay từ những ngày lãnh đạo Đội Du kích Ba Tơ (3.1945) đến chiến dịch hơn 100 ngày bảo vệ Nha Trang-Khánh Hòa (23.10.1945 - 27.1.1946), tướng Phạm Kiệt đã nhìn thấy trọn vẹn những điểm yếu của quân ta nếu triển khai phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”. Và không thể không thừa nhận rằng tướng Kiệt đã nhìn thấy được thất bại nếu máy móc, cố chấp.
Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” (trích đoạn) tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: ĐVCC
Không chỉ có vậy, ngay tại vị trí của mình, nhiều chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn cũng đã lờ mờ nhận ra những khiếm khuyết có thể dẫn đến thất bại nếu đánh trong 3 ngày 2 đêm như kế hoạch nhưng chẳng ai dám nói ra điều đó. Thật đơn giản, vào trận rồi, giáp mặt với địch rồi mà nói đến thất bại, nói đến chuyện lui binh với Bộ chỉ huy mặt trận mà tướng Giáp là người chịu trách nhiệm chính - “quân lệnh như sơn”, nói ra điều này chẳng phải là làm xao động quân tình, làm mất nhuệ khí tướng sĩ hay sao? Hơn nữa sau nhiều tháng chuẩn bị cho trận Điện Biên, khí thế của bộ đội lên rất cao, ai cũng muốn “đánh một trận rồi về nghỉ”, nên tâm lý chung là không ai muốn bàn ra. Cuộc họp Đảng bộ mặt trận có 4 người thì đến 3 người không đồng ý với phương án “kéo pháo ra”. Chỉ đến khi nghe cuộc gọi từ trận địa của tướng Phạm Kiệt, mọi người mới vỡ lẽ và thống nhất đi đến quyết định không “đánh nhanh, thắng nhanh” nữa.
Tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 - một mũi tiến công tại Điện Biên, nói trong dịp Kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Còn tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng 308 thì nói: “Tôi nghĩ nếu lần đó cứ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể phải lùi lại 10 năm!”.
Thực tế thì, sau khi thay đổi phương châm, chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải dời sang ngày 13.3 mới khai hỏa và trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, với hệ thống giao thông hào chằng chịt “thít chặt” vòng vây Điện Biên, cuối cùng mới thắng lợi chứ không phải đánh trong 3 ngày 2 đêm như phương án ban đầu.
***
Thế mới thấy, trong chiến tranh, chỉ cần một quyết định sai lầm của người chỉ huy là có thể phá hỏng một chiến dịch lớn, dẫn đến thua toàn bộ cuộc chiến. Trong chiến tranh, người chỉ huy cũng cần biết lắng nghe những lời nói thẳng của thuộc cấp để đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Trường hợp góp ý thẳng thắn của tướng Phạm Kiệt là một ví dụ.
T.Đ