Tây Sơn chủ động sản xuất vụ Hè Thu trong điều kiện thiếu nước tưới
Do nắng gắt kéo dài, mực nước trên các sông, suối từ đầu năm 2024 đến nay có xu hướng giảm mạnh nên một số công trình đập dâng, trạm bơm do huyện Tây Sơn quản lý không đảm bảo nguồn nước tưới. Qua kiểm tra thực trạng nguồn nước và khả năng cung cấp nước tưới, các địa phương thống nhất chỉ đưa vào gieo sạ 4.325,3 ha lúa và 2.618 ha cây trồng cạn; ngừng sản xuất 532,68 ha lúa trong vụ Hè Thu.
Người dân gieo sạ lúa tại xã Bình Tường. Ảnh: VĂN PHONG
Để đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả cao, UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện và UBND các xã, thị trấn, các HTX kiểm tra, rà soát kế hoạch sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu phù hợp nguồn nước, thời tiết, điều kiện địa phương, đảm bảo gieo trồng đạt diện tích kế hoạch; tăng cường chỉ đạo sản xuất, gieo trồng theo khung lịch thời vụ và cơ cấu giống. Tăng cường chỉ đạo sản xuất trong điều kiện nắng hạn; chủ động các biện pháp phòng, chống hạn theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 16.12.2023 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt mùa khô năm 2024.
Huyện cũng động viên nông dân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong điều kiện nắng hạn gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT, quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất. Đối với lúa, áp dụng các quy trình IPM, ICM, IPHM, canh tác lúa cải tiến (SRI); sử dụng giống lúa đảm bảo chất lượng, gieo sạ mật độ hợp lý (lúa thuần 100 - 120 kg/ha, lúa lai 40 - 50 kg/ha). Đối với cây trồng cạn, áp dụng các quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP; áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
VĂN PHONG