Cảnh giác với lừa đảo qua mạng xã hội núp bóng từ thiện
Thời gian qua nổi lên tình trạng các đối tượng dùng hình ảnh đáng thương của các nhân vật có thật đã đăng tải trên báo, đài, mạng xã hội để dựng tin, bịa chuyện; hoặc lợi dụng những câu chuyện, hoàn cảnh người thật việc thật để đánh tráo tên nhân vật, số tài khoản ngân hàng nhằm trục lợi.
Trục lợi trên nỗi đau người khác
Những ngày gần đây, nhiều tài khoản Facebook đăng tải bài viết về hoàn cảnh thương tâm của một người mẹ và hai bé gái sơ sinh, nhằm kêu gọi cộng đồng giúp đỡ.
Theo đó, người phụ nữ tên Khuất Thị Luyến (28 tuổi, ở đội 3, thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) sau khi sinh đôi hai bé gái thì gặp biến chứng, tràn dịch màng phổi… Trong khi mẹ nằm cấp cứu tại BVĐK tỉnh, hai bé gái một tuần tuổi được đưa về nhà chăm sóc. Gia đình nghèo khó, bố hai bé làm tài xế chạy xe tải tại địa phương để kiếm tiền chăm sóc vợ và hai con. Cùng với đó là hình ảnh người phụ nữ nằm trên giường bệnh và hai trẻ sơ sinh. Đi cùng bài đăng là lời kêu gọi cộng đồng giúp đỡ để gia đình có tiền chữa trị cho người mẹ và nuôi dưỡng hai bé, bằng cách chuyển tiền trực tiếp vào số tài khoản ngân hàng mang tên Khuất Thị Luyến.
Bài viết kêu gọi giúp đỡ gia đình anh Việt nhưng số tài khoản nhận tiền mang tên người khác. Ảnh chụp màn hình
Trước những thông tin trên, CA xã Ân Tín đã tiến hành xác minh. Kết quả cho thấy, nhân vật trong các bài viết mặc dù có thật ở địa phương, tuy nhiên có nhiều thông tin sai sự thật. Cụ thể, sự việc trên xảy ra từ nhiều năm trước, người mẹ đã mất từ lâu, hai bé gái giờ đã 3 tuổi, gia đình có đủ điều kiện nuôi dưỡng hai cháu.
Đề cập việc này, anh Vũ Quốc Việt (SN 1991, cha của 2 bé gái song sinh kể trên) tỏ ra bức xúc bởi vợ anh không phải tên Khuất Thị Luyến, gia đình không biết người này là ai. Vợ anh tên là Huỳnh Thị Kim Thảo (SN 1995), sinh đôi hai con gái vào tháng 11.2021 và gặp biến chứng sau sinh, đã mất vào tháng 7.2022. Trước đây, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ anh một khoản tiền để điều trị cho vợ, chăm sóc hai con.
“Nhiều bài viết lấy chuyện gia đình tôi để kêu gọi từ thiện, nhưng thông tin vợ tôi bị đánh tráo, có khi thì tên Luyến, có khi tên Vân… kèm số tài khoản ngân hàng mang tên mấy người này. Chuyện đau buồn đã qua nhưng kẻ xấu cứ lấy hình ảnh vợ con tôi để lừa đảo, khiến gia đình rất phiền lòng”, anh Việt bức xúc nói.
Nhiều người bị lừa
Đầu năm 2024, tài khoản Facebook có tên “Đóa liên hoa” đăng tải trường hợp một cụ già có hoàn cảnh đáng thương, cần được giúp đỡ tiền vé tàu để về quê ăn Tết. Thấy bài đăng có thông tin, hình ảnh rõ ràng và nhiều lượt chia sẻ, chị K.A. (một nhà hảo tâm ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) tin là thật, ủng hộ 2 triệu đồng vào số tài khoản mà người viết cung cấp. Tuy nhiên, khi chị A. yêu cầu gửi hình ảnh trao tiền ủng hộ cho cụ già thì người này khóa trang cá nhân.
Tương tự, vào tháng 3.2024, chị Dương Thị Ngọc Xuân (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) thấy bài viết về bé gái bị dị tật bẩm sinh đang phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Tin rằng nếu không có đủ tiền phẫu thuật kịp thời bé gái sẽ nguy hiểm tính mạng, chị Xuân ủng hộ ngay 1 triệu đồng. Chị Xuân sau đó mới biết mình bị lừa và trên mạng xã hội có nhiều kẻ lừa đảo tiền từ thiện với thủ đoạn tương tự.
Cũng vì lòng tốt đặt nhầm chỗ, chị Nguyễn Thị Kiều Loan (chủ shop quần áo ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) đã bị lừa mất 6 triệu đồng. Cuối năm 2023, một tài khoản Facebook ngỏ ý mời chị tài trợ 200 suất ăn cho một trường mầm non ở vùng sâu. Chị Loan đồng ý và quyết định tặng thêm 200 bộ quần áo cho các em học sinh. Tuy nhiên, người kia không chịu cung cấp địa chỉ để nhận quần áo mà chỉ muốn nhận tiền 200 suất ăn.
Lo sợ mình bị lừa, chị Loan yêu cầu cung cấp hình ảnh học sinh và địa chỉ trường cần hỗ trợ. Khi nhận loạt hình ảnh gửi đến, chị Loan yên tâm chuyển tiền. Sau đó, chị Loan bị chặn Facebook và biết được những hình ảnh mình đã xem được tải xuống từ internet. Sau việc đó, chị Loan cho biết chỉ giúp đỡ những trường hợp mắt thấy tai nghe.
Những năm qua, cách làm từ thiện qua mạng xã hội phát triển rộng khắp, nạn lừa đảo núp bóng từ thiện cũng xuất hiện ngày một nhiều. Kẻ gian chẳng những chiếm đoạt tài sản của người tốt mà còn làm mất niềm tin của xã hội, mất đi cơ hội được giúp đỡ của những cảnh đời bất hạnh thật sự, ảnh hưởng uy tín những người vận động từ thiện chân chính. Vì vậy, mọi người cần cảnh giác, khi giúp đỡ bất cứ trường hợp nào cũng cần kiểm chứng thông tin, để sự ủng hộ của mình được đặt đúng chỗ.
NGUYỄN CHƠN - XUÂN QUỲNH