Cần tạo diện mạo mới cho công viên
Từ nhiều năm qua, UBND TP Quy Nhơn đã dành nhiều kinh phí để đầu tư cho các công viên, lắp đặt thiết bị tập thể dục, ghế đá, trò chơi để người dân dùng miễn phí. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, nhiều hạng mục công viên xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng, cần được quan tâm tu sửa.
Trước đây, Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn được đầu tư nhiều trò chơi giải trí miễn phí, thu hút rất đông trẻ em đến vui chơi. Người lớn tập thể dục rèn luyện sức khỏe, trẻ con sau mỗi buổi học được bố mẹ đưa tới đây để chơi đùa. Có thể nói công viên này là điểm đến lý tưởng cho mọi người. Thế nhưng, qua thời gian sử dụng, nhiều thiết bị trò chơi đã bị bể, mất ốc, bung vỡ, đứt dây, một số thiết bị vận động bị gỉ sét, ghế đá bị gãy chân… nên phụ huynh đưa con đến đây vui chơi cũng thưa dần.
Thiết bị để chơi trò leo dây tại Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn bị đứt nhiều đoạn dây, nhưng chưa được sửa chữa. Ảnh: V.L
Mặt khác, hiện nay phần lớn diện tích đất quy hoạch khu vui chơi cho thiếu nhi trong Công viên cũng được Công ty CP Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn cho các cá nhân thuê lại để kinh doanh trò chơi như đu quay, tàu lượn, tàu lửa… Theo nhiều người dân, các trò chơi này đơn điệu, gây lãng phí đất công.
“Tôi thấy khu trò chơi do Nhà nước đầu tư rất tốt và bổ ích cho các cháu, do không thường xuyên tu sửa nên một số thiết bị, dụng cụ đã bị hư hỏng xuống cấp, khi các cháu chơi ở đây sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, đề nghị cơ quan quản lý có biện pháp thay thế, sửa chữa để các cháu đến vui chơi đảm bảo an toàn”, ông Lê Hùng Tấn, ở phường Nguyễn Văn Cừ, chia sẻ.
Tương tự, tại các công viên dọc đường Nguyễn Tất Thành cũng được đầu tư, lắp đặt nhiều thiết bị tập thể dục, các trò chơi dành cho trẻ em, nhưng đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng. Nguyên nhân là các em nghịch phá và người lớn thiếu ý thức, ngồi lên thiết bị trò chơi dành cho trẻ em để chụp ảnh, thư giãn. Một số thiết bị tập luyện đã mất an toàn, có khả năng dẫn đến tai nạn cho trẻ.
Còn tại công viên trên đường Phạm Hùng (trước số nhà 16 Phạm Hùng) cũng được xây dựng khá khang trang, đã lắp đặt các thiết bị tập thể dục. Tuy nhiên, hiện nay diện tích khu vực này bị thu hẹp do Công ty CP Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn dùng làm vườn ươm cây xanh và xây dựng nhà bảo vệ, nhiều người đến đây tập thể dục phải di chuyển ra vỉa hè.
Theo bà Châu Thị Hảo, Phó Giám đốc Công ty CP Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, nguyên nhân dẫn đến việc các thiết bị nhanh chóng bị hư hỏng một phần do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, gần biển nên dễ bị gỉ sét; một phần người dân sử dụng thiếu ý thức bảo vệ của công và một bộ phận thanh thiếu niên tụ tập vào ban đêm vui chơi cố tình đập phá. Công ty đang tiến hành kiểm tra số lượng thiết bị hư hỏng để tổng hợp, báo cáo UBND TP Quy Nhơn chỉ đạo Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố lập kế hoạch, bố trí kinh phí để sửa chữa trong thời gian tới.
“Để các thiết bị tập thể dục phục vụ cho người dân tốt hơn, thời gian đến, ngoài việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hơn, mong rằng người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ các trang thiết bị đã được Nhà nước đầu tư, lắp đặt để phục vụ miễn phí”, bà Hảo đề nghị.
Cũng theo bà Hảo, hiện nay các công viên trên địa bàn thành phố phục vụ thiếu nhi chưa được đầu tư nhiều, các trò chơi còn hạn chế, đơn điệu. Việc Công ty cho một số cá nhân thuê để kinh doanh trò chơi đã được thành phố chấp thuận từ nhiều năm trước. Trường hợp công viên trước nhà 16 Phạm Hùng, việc tận dụng diện tích trống để ươm cây chỉ là tạm thời, Công ty sẽ di chuyển vào trong bãi cỏ để trả lại diện tích công viên cho người dân tập thể dục.
VĂN LƯU