Tín dụng chính sách tại Hoài Ân: Tiếp sức người dân phát triển kinh tế nông nghiệp
Quá trình đầu tư cải tạo vườn đồi, trồng cây ăn trái và phát triển chăn nuôi, nông dân huyện Hoài Ân luôn nhận được sự chia sẻ, đồng hành từ Ngân hàng CSXH huyện. Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, nhiều hộ dân đã vượt khó vươn lên trên mảnh đất quê hương.
Bám sát chương trình hành động phát triển KT-XH, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả của huyện Hoài Ân, Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân đã chủ động nắm bắt thông tin, linh hoạt bố trí vốn vay cho các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể chuyển tải nhanh dòng vốn TDCS đến với người dân.
Vợ chồng ông Võ Văn Hạnh, ở xã Ân Thạnh, thu hoạch ổi. Ảnh: T.SỸ
Đầu năm 2021, nhận được thông tin ông Võ Văn Hạnh, ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh mong muốn vay vốn để đầu tư phát triển cây ăn quả, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân cùng tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương tìm đến tận nhà để tư vấn, hướng dẫn. Ngay sau đó, ông Hạnh đã được ngân hàng giải ngân 50 triệu đồng để mua thêm cây giống. Hai năm sau, ông tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn TDCS để mở rộng diện tích trồng cây ăn trái.
Cần cù chịu khó và áp dụng tốt KHKT vào thực tế, 400 gốc ổi và 120 gốc bưởi da xanh vườn ông Hạnh luôn tươi tốt, sai trĩu quả. Từ năm 2021 - 2023, bình quân mỗi năm, gia đình ông Hạnh thu 3 tấn ổi, sản phẩm được thương lái đến tận trang trại để thu mua với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Năm 2023, ông Hạnh cũng đã bán lứa bưởi đầu tiên, thu về gần 20 triệu đồng. “Vụ này, năng suất ổi và bưởi cao hơn các năm trước, màu sắc đẹp, chất lượng tốt. Hiện vợ chồng tôi đang thu hoạch bán cho thương lái; đồng thời đăng ký gian hàng trưng bày sản phẩm tại Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ 2 để quảng bá và tìm kiếm thêm đối tác thu mua sản phẩm ổn định, lâu dài”, ông Hạnh cho hay.
Thường xuyên gắn bó với người dân ở các thôn, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân cùng tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương đã nắm bắt nhu cầu vay vốn của từng hộ dân, từ đó tư vấn, hướng dẫn bà con hoàn thiện hồ sơ vay vốn từ nhiều chương tín dụng khác nhau. Cách làm này đã giúp cho gia đình ông Đinh Quốc Hiệp, ở thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức và gia đình chị Phùng Thị Anh, ở thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh nhiều lần vay vốn TDCS để đầu tư phát triển kinh tế. Riêng gia đình ông Hiệp đã 4 lần vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư trồng rừng; phát triển chăn nuôi; vay vốn cho con học tập và đi xuất khẩu lao động. Hiện 4 đứa con của ông Hiệp đều đã lập gia đình, có cuộc sống riêng, kinh tế ổn định. Vợ chồng ông cũng xây dựng nhà ở khang trang và có thu nhập cao từ nghề chăn nuôi. “Trước đây, mỗi năm tôi thả nuôi 2 lứa gà, mỗi lứa 3.000 con, tầm 4 tháng sẽ xuất chuồng, trọng lượng bình quân 2,7 kg/con, bán với giá từ 60 - 70.000 đồng/kg. Năm nay giá cám, thực phẩm và gà giống tăng cao, nên mỗi lứa tôi chỉ thả nuôi 1.000 con. Vợ chồng cũng đã lớn tuổi, đầu tư chăn nuôi chừng đó là phù hợp”, ông Hiệp chia sẻ.
Chăn nuôi và trồng cây ăn quả là 2 lĩnh vực chính đang phát triển mạnh tại Hoài Ân và là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân. Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân đã nắm bắt xu hướng đầu tư phát triển tại địa phương, tích cực chuyển tải dòng vốn tín dụng đến với người dân. Những năm gần đây, nhiều chương trình TDCS đã được tăng hạn mức cho vay, thủ tục vay vốn cũng đơn giản hơn, lãi suất vốn vay ưu đãi duy trì trong thời gian dài, thuận lợi cho việc đầu tư phát triển kinh tế và hoàn trả nợ vay. Vì vậy, ngày càng nhiều người dân tìm đến Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân vay vốn. Đến ngày 30.4, dư nợ cho vay đầu tư trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện đạt 14,975 tỷ đồng, tăng 1,975 tỷ đồng so với cuối năm 2023 với 273 hộ vay vốn; dư nợ tín dụng đầu tư chăn nuôi đạt hơn 363 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng, với 6.976 hộ vay.
Không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, ngân hàng còn phối hợp với chính quyền địa phương tư vấn lựa chọn phương án đầu tư phù hợp và tổ chức tập huấn hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật vào thực tế trồng trọt, chăn nuôi. “Phần lớn các hộ vay đều phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, hoàn trả nợ đúng kỳ hạn và tích góp gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng”, ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân, cho hay.
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, nguồn vốn TDCS đang phát huy hiệu quả tích cực, tiếp sức cho người dân vươn lên, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Vì thế, ngoài nguồn vốn của ngân hàng, huyện Hoài Ân sẽ tiếp tục trích ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng để giải quyết vốn vay cho người dân; đồng thời chỉ đạo ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với ngân hàng thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS.
PHẠM TIẾN SỸ