Nâng cao cảnh giác với nạn lừa đảo từ thiện qua mạng
Ngày 8.5, Báo Bình Định có bài viết “Cảnh giác với lừa đảo qua mạng xã hội núp bóng từ thiện”, nêu vấn đề thời gian qua nổi lên tình trạng các đối tượng dùng hình ảnh đáng thương của các nhân vật có thật để dựng tin, bịa chuyện; hoặc lợi dụng những câu chuyện người thật việc thật để đánh tráo tên nhân vật, số tài khoản ngân hàng nhằm trục lợi. Nhiều người vì thiếu cảnh giác đã bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tiền. Bài viết nhận được sự quan tâm, ý kiến chia sẻ của nhiều người có liên quan.
Theo anh Phạm Tuấn Khải (quê ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, hiện ở tỉnh Gia Lai; có gần 10 năm làm công tác vận động từ thiện), tình trạng sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện xảy ra khá nhiều. Chẳng những lừa gạt các nhà hảo tâm, đối tượng xấu còn nhẫn tâm lừa cả những hoàn cảnh bất hạnh.
“Trước đây có một gia đình đáng thương được cộng đồng giúp đỡ. Kẻ gian sau đó gọi điện đến họ, báo rằng sẽ gửi tiền giúp đỡ họ rồi đưa đường link và yêu cầu truy cập vào. Khi gia đình kích vào đường link đó thì tiền trong tài khoản bị mất”, anh Khải kể.
Theo anh Khải, để tránh bị lừa đảo, các nhà hảo tâm khi giúp đỡ ai qua mạng xã hội cũng cần xác minh kỹ lưỡng người đứng ra kêu gọi, xem đó có phải tài khoản mạng xã hội chính chủ, có uy tín hay không. Bởi kẻ xấu thường dùng tài khoản ảo, thông tin mập mờ, rất ít bạn bè và lượt theo dõi, tương tác. Sau đó, kiểm chứng thông tin nhân vật trong bài viết bằng cách xác minh qua số điện thoại nhân vật, gia đình, người thân; nếu có sự xác nhận của chính quyền địa phương thì càng tốt.
Ông Trần Đình Ký, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, cho biết việc mạo danh làm từ thiện để lừa đảo xuất hiện từ lâu, thời gian qua việc sử dụng mạng xã hội để lừa đảo càng trở nên nhức nhối. Hội thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền để mọi người nâng cao cảnh giác, phòng tránh.
Cụ thể, khi kêu gọi giúp đỡ bất cứ trường hợp nào, Hội yêu cầu bệnh nhân phải có đơn trình bày hoàn cảnh cụ thể, có xác nhận của chính quyền địa phương, có hồ sơ, tài liệu bệnh án. Hội chỉ nhận tiền từ thiện, quyên góp của cộng đồng qua số tài khoản ngân hàng của Hội và các chi hội, không sử dụng tài khoản cá nhân.
Khi thành viên trong Hội hoặc cá nhân làm từ thiện bị sử dụng hình ảnh để lập tài khoản ảo nhằm lừa đảo, phải lập tức thông báo cho Hội và các đơn vị, cộng đồng biết để phòng tránh. “Bản thân tôi mới đây cũng bị kẻ xấu lấy hình ảnh cá nhân để lập tài khoản mạo danh, kết bạn và nhắn tin đến bạn bè, mọi người xung quanh. Tôi lập tức thông báo mọi người đề phòng nên không có ai bị lừa”, ông Ký chia sẻ.
ĐỨC MINH