GIÁM ÐỐC CÔNG TY TNHH MTV VITA ÐẶNG NGỌC VŨ:
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong người trẻ
Từ một cơ sở nhỏ sản xuất bánh canh khô ở xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), đến nay, Công ty TNHH MTV Vita (VIDATA) đã đưa ra thị trường 16 sản phẩm, trong đó có những sản phẩm xuất khẩu. Giám đốc Công ty Ðặng Ngọc Vũ không chỉ tích cực gầy dựng thương hiệu VIDATA mà còn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho người trẻ ở địa phương.
Năm 2021, tôi gặp Đặng Ngọc Vũ (SN 1991) trong căn bếp nhỏ khoảng 50 m2 với vài máy cán bột, sấy bột làm bánh canh khô. Cơ sở khi ấy chỉ có 3 người là Vũ cùng mẹ và vợ của anh. Vũ ít nói, nhưng khi được hỏi về ý tưởng mở công ty, đưa sản phẩm bán thị trường TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu, anh lại nói rất say mê.
Khởi nghiệp từ làng
* Động lực nào khiến anh đầu tư kinh doanh sản xuất dòng sản phẩm khá lạ - bánh canh khô rau củ?
- Nhiều người nghĩ VIDATA thành công khá nhanh, nhưng tôi đã phải trải qua nhiều năm trăn trở. Tôi từng học Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), có 7 năm kinh nghiệm xây dựng chuỗi quầy bán thức ăn nhanh và bán dầu nhớt ở TP Hồ Chí Minh.
Sau khi cha mất, mẹ không chịu vào Nam sống cùng, tôi quay về quê. Khi về lập nghiệp ở quê hương, tôi xác định phải có kế hoạch khác đảm bảo cuộc sống gia đình, trước tiên là mở tiệm tạp hóa cho vợ. Tôi vẫn làm nghề bán dầu nhớt và gầy dựng cơ sở sản xuất bánh canh khô cho mẹ cùng làm.
Trong thời gian tiếp thị dầu nhớt khắp trong và ngoài tỉnh, tôi cũng dành thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm làm bánh canh khô. Khi tích lũy được gần 300 triệu đồng, tôi quyết định thành lập VIDATA, chuyên sản xuất bánh canh khô rau củ bài bản, chuyên nghiệp với các màu sắc đẹp mắt: Màu xanh từ hoa đậu biếc, màu đỏ từ củ dền, màu vàng từ bí đỏ, màu đen từ hạt mè, màu xanh lá cây từ lá chùm ngây, đỏ nâu từ lá cẩm… Mỗi màu sắc mang hương vị bánh canh khác nhau, có độ thơm, dẻo và mềm, bày biện bắt mắt. Để tồn tại, tôi tìm sự khác biệt là tạo màu sắc đẹp mắt từ rau củ và bổ sung dinh dưỡng, phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh của người tiêu dùng.
* Để sản phẩm mới được thị trường đón nhận, có lẽ anh mất khá nhiều thời gian?
- Rất may là ngay năm đầu tiên sản xuất bánh canh rau củ, tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng từ TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng… Hiện mỗi ngày, xưởng sản xuất hơn 100 hộp sản phẩm với giá 40.000 đồng/hộp. Bánh canh rau, củ chế biến được nhiều món, như bánh canh nước, bánh canh trộn đậu phụng rau răm hoặc chè ngọt.
Tôi đã đăng ký sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2022 để khẳng định chất lượng sản phẩm.
Đặng Ngọc Vũ tham gia cuộc thi khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và gặp gỡ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan để học hỏi kiến thức, tìm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: NVCC
* Trong vòng 3 năm, từ sản phẩm bánh canh rau củ, Vũ tạo ra 16 sản phẩm khác nhau. Trong đó, sản phẩm bánh hỏi rau củ đang được bán chạy nhất và xúc tiến để giới thiệu sang Nhật Bản và Hà Lan. Anh có thể chia sẻ về thuận lợi, khó khăn để có thêm sản phẩm mới và xuất khẩu sang nước ngoài?
- Sau thành công của sản phẩm bánh canh khô ngũ sắc, tôi nghĩ ngay việc làm sao phải có thêm sản phẩm mới như bánh tráng, bánh hỏi cũng được chế biến từ các loại rau củ đổi vị cho người tiêu dùng. Khách du lịch có thể mua mang về sau khi thưởng thức bánh hỏi tươi tại chỗ, hoặc bán đi xa, thậm chí xuất khẩu do bảo quản được lâu.
Tôi không phải là dân sản xuất, gia đình cũng không có nghề làm các sản phẩm này nên phải đi học hỏi khắp mọi nơi. Rất may mắn, tôi gặp được nhiều người ở các làng nghề trong tỉnh giúp đỡ. Họ chỉ cho tôi nhiều bí quyết gia truyền để có bánh hỏi ngon.
Hiện nay, VIDATA đã xây dựng xưởng sản xuất 200 m2 và danh mục sản phẩm nối dài: Bánh hỏi, nui, bánh tráng, bánh tét... Trước khi sản phẩm ra mắt thị thường, tôi thất bại nhiều lần, hàng trăm mẻ bánh hỏi phải bỏ đi, điều chỉnh lại máy móc, thậm chí thay thế máy mới; nhiều lô hàng đầu tiên bị khách chê…
Tất cả số tiền mà gia đình kiếm được từ các nghề khác cứ đổ hết vào đầu tư, khắc phục hạn chế để đảm bảo chất lượng, tiêu chí khách hàng yêu cầu. Với tôi, chỉ có kiên trì, quyết tâm khởi nghiệp sản xuất thì mới thay đổi số phận của bản thân và nhiều người khác. Sau bao năm đi làm thuê, tôi muốn xây dựng cho mình một thương hiệu riêng (VIDATA chính là viết tắt của Vì dân ta) tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đầu ra bền vững cho nông sản quê hương.
Từ doanh thu 300 triệu đồng/năm đến nay VIDATA đã đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Điều đặc biệt, VIDATA đã có đơn hàng gia công bánh hỏi rau củ để xuất khẩu sang Nhật Bản, Hà Lan. Từ tín hiệu đáng mừng này, tôi cần phải nỗ lực hơn để đưa thương hiệu VIDATA vươn xa.
Truyền niềm tin khởi nghiệp cho giới trẻ
Về quê khởi nghiệp, Đặng Ngọc Vũ thấu hiểu vì sao các bạn trẻ phải tìm việc ở các thành phố lớn. Phong trào khởi nghiệp ở quê chưa mạnh, đầu ra cho sản phẩm nào cũng khó khăn nên bạn trẻ khó kiên nhẫn chọn ở lại. Vũ đã tìm mọi cách để tạo việc làm, liên kết thu mua nông sản, hỗ trợ các bạn trẻ ở quê cùng khởi nghiệp...
Những sản phẩm của VIDATA được bày bán trên thị trường. Ảnh: HẢI YẾN
* Vì sao anh lại có ý định hỗ trợ các bạn trẻ ở quê cùng khởi nghiệp?
- Ngay từ khi về quê lập nghiệp, tôi không nghĩ mình thành công vì quá nhiều khó khăn, vốn ít, kinh nghiệm sản xuất thực phẩm không có. Tôi lo lắng mình thất bại làm liên lụy gia đình. Nhưng khi VIDATA đi vào hoạt động ổn định, tôi trăn trở với tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, đó là lý do người dân phải rời quê.
Với dây chuyền sản xuất bằng máy móc hiện đại, khép kín nên VIDATA chỉ có thể tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương, trong khi tôi mong muốn có thêm nhiều chỗ làm cho mọi người. Do đó, tôi đã phối hợp với nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn ở thành phố lớn mong muốn về quê lập nghiệp bằng cách tạo kênh phân phối hàng hóa. Mỗi bạn phụ trách một khu vực, sản phẩm và lương, thưởng theo doanh số. Nhiều bạn có thể bán hàng trực tuyến trên trang thương mại điện tử, tham gia các phiên chợ, hội chợ trong và ngoài tỉnh… Hiện nay, hơn 20 bạn trẻ làm lĩnh vực này, VIDATA hỗ trợ tập huấn tiếp thị, cách phân phối nguồn hàng cho các bạn…
Ngoài ra, tôi mong muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho những thanh niên khác trong xã, huyện. Tôi dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ tại các hội nghị, hội thảo, gặp gỡ do các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức với mong muốn tạo ra cộng đồng khởi nghiệp mạnh tại địa phương, góp phần nâng cao giá trị nông sản, đặc sản quê hương và tạo ra nhiều việc làm tại chỗ.
Từ khi có xưởng sản xuất, nhiều người dân ở huyện được VIDATA hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây như: Nghệ, hoa đậu biếc, lá cẩm, rau chùm ngây, bí đỏ… để cung cấp nguyên liệu cho xưởng với giá ổn định và bảo đảm có lợi nhuận.
Tôi nhận thấy, bản thân mất nhiều thời gian để mày mò khởi nghiệp, thậm chí trả giá cho bài học kinh nghiệm có được. Vì vậy, tôi sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm mình có, nhiệt tình giúp đỡ mọi người mong muốn khởi nghiệp trên tinh thần “muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
* Ngoài sản xuất kinh doanh, được biết anh còn tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện, là cầu nối cho các nhà hảo tâm giúp đỡ trường hợp khó khăn ở huyện Tây Sơn?
- Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp của mình, tôi nhận ra ngoài ý chí vươn lên, chịu thương chịu khó còn có chút may mắn. Do đó, tôi tâm niệm phải làm việc có ích cho đời.
Với tôi, mục đích chính giữ cho VIDATA đi đúng hướng là đặt lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu. VIDATA cam kết sản phẩm được sản xuất từ 100% nguyên liệu thiên nhiên. Đó là việc làm tôi thấy có ý nghĩa nhất mình dành cho cộng đồng.
Ngoài ra, tôi tham gia các CLB, nhóm thiện nguyện ở địa phương. Trường hợp nào khó khăn, cần kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, tôi dành thời gian đi tìm hiểu, chia sẻ với mọi người và làm cầu nối đến hoàn cảnh khó khăn.
* Xin cảm ơn anh! Chúc anh tiếp tục gặt hái thành công trên con đường mình đã chọn.
HẢI YẾN (Thực hiện)