Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp
(BĐ) - Chiều 14.5, tại TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng chủ trì Hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: TRỌNG LỢI
Thời gian qua, việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao giá trị kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp được ghi nhận thông qua một số kết quả.
Trong lĩnh vực thủy lợi, đã triển khai xây dựng nền tảng chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành cấp nước cho dân sinh, sản xuất và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi theo chức năng nhiệm vụ.
Trong trồng trọt, một số DN, HTX, hộ dân sản xuất đã áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng,... góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng.
Với lĩnh vực chăn nuôi và thú ý, đến nay đã có một số cơ sở, trang trại chăn nuôi đã áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, cho ăn và cấp nước uống tự động; quản lý, theo dõi chăn nuôi, xuất xứ động vật nuôi bằng phần mềm; bán hàng trên mạng thông qua các giao dịch điện tử; công nghệ IoT, Big Data được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như MimosaTEK, hoặc hệ thống phần mềm SmartAgri của công ty Global CyberSoft Việt Nam.
Trong lâm nghiệp, có ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; tự động hóa, robot, IoT kết nối thiết bị, máy móc trong nhà máy chế biến gỗ có quy mô lớn; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng…
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia cũng đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp, chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp thông minh, làng nghề số, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư, nền tảng số nông nghiệp, các kênh thương mại điện tử nông sản, đưa thị trường đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng...
Tại Bình Định, ngành nông nghiệp cũng triển khai tương đối đồng bộ công tác chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Đơn cử, trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, đã xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng, số hóa quy trình để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến.
Lĩnh vực chăn nuôi và thú y, nhiều cơ sở, DN chăn nuôi đã có sử dụng phần mềm trên điện thoại thông minh ứng dụng trong quản lý chăn nuôi, như: Phun thuốc khử trùng tự động cho người, phương tiện ra vào trại, lắp đặt hệ thống camera kiểm soát toàn bộ hoạt động chăn nuôi. Sử dụng phần mềm kiểm soát dịch bệnh, quản lý cho ăn, uống tự động, quản lý nhiệt độ, độ ẩm, áp suất chuồng và kiểm soát lượng thức ăn hàng ngày…
Lĩnh vực thủy sản, đã triển khai hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ; triển khai hệ thống tự động trong ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao.
Với lâm nghiệp, đã triển khai sử dụng các ứng dụng, phần mềm chuyên ngành phục vụ cho các hoạt động lâm nghiệp, trong đó hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm (FireWatch Việt Nam); hệ thống cảnh báo cháy rừng…
TRỌNG LỢI