Chung sức gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản
Quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo đối với nghề cá và xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), Bình Ðịnh đang dốc toàn lực chuẩn bị tốt những nội dung, bằng chứng cụ thể trong triển khai thực hiện những khuyến nghị mà EC đã đưa ra.
Cụ thể, EC đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị đối với Việt Nam: Hoàn thiện thể chế, kiểm soát đội tàu khai thác, tăng cường thực thi pháp luật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nâng cao nhận thức của ngư dân
Sáng sớm ngày 14.5, các cảng cá trong tỉnh nhộn nhịp đón tàu cá hoàn thành chuyến biển về bờ, mang theo rất nhiều cá ngừ, cá nục, cá cờ… Sau khi tàu cập cảng, chủ tàu, thuyền trưởng hay người đại diện nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định cho Ban quản lý cảng cá trước thời điểm bốc dỡ thủy sản.
Ngư dân bốc dỡ thủy sản khai thác từ tàu lên Cảng cá Quy Nhơn vào sáng 14.5. Ảnh: N.T
Theo ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị TX Hoài Nhơn, trung bình mỗi tháng, có khoảng 1.000 lượt tàu thuyền cập cảng, rời cảng. Ban quản lý luôn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Nhờ vậy, đến nay, gần như đã thành nếp, chủ tàu, thuyền trưởng hoặc người đại diện luôn nỗ lực tuân thủ đúng quy định, để không bị phạt và đủ điều kiện hưởng được một số chính sách ưu đãi hiện hành.
Tại nhiều địa phương ven biển thời gian này, thu hút sự quan tâm của ngư dân là chuyện làm giấy tờ, hồ sơ đăng ký cho tàu cá “3 không”.
Anh Nguyễn Minh Tâm, ở thôn Lý Chánh (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) chia sẻ: Xã tư vấn cho bà con kỹ lắm. Hồi giờ đi làm, cứ sáng đi chiều vô, chiều đi sáng sớm vô, chiếc tàu có khi sang tay 2 - 3 chủ, mua tàu chỉ nghĩ mỗi chuyện đi làm kiếm tiền, chứ không nghĩ đến chuyện giấy tờ, thủ tục gì. Bây giờ được tạo điều kiện về giấy tờ, thủ tục, lệ phí cũng không nhiều nên ai cũng muốn làm sớm cho xong.
Theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT, từ đầu tháng 4 đến nay, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường vận động, rà soát, kiểm tra và hướng dẫn người dân toàn tỉnh làm thủ tục đăng ký cho tàu cá “3 không” của mình. Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15.11.2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá được ban hành vào đầu tháng 5.2024, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để Chi cục hỗ trợ người dân hoàn thành việc đăng ký cho tàu.
Tăng cường tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, các đơn vị trực thuộc Sở sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát để đảm bảo 100% tàu cá tuân thủ đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản theo quy định. Trường hợp tàu không đánh dấu, kẻ số đăng ký theo đúng quy định thì không cho xuất bến.
Sở sẽ lập danh sách 403 tàu cá đã xóa đăng ký trên VNFishbase (tính từ ngày 8.5.2023 đến 10.4.2024), nêu rõ lý do và tình trạng tàu cá đã xóa đăng ký (ghi rõ bán sang tỉnh nào, nếu tàu đã bán sang tỉnh khác), tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Liên quan đến tàu thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía Nam hàng năm không đưa tàu về địa phương, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức các đoàn công tác gặp gỡ ngư dân để tuyên truyền, vận động.
Lực lượng BĐBP đã và đang vào cuộc tích cực, kiên quyết không cho tàu cá không đảm bảo điều kiện được xuất bến. Ảnh: N.T
Với số tàu trong tỉnh đang neo đậu trong tỉnh, có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt ở một số xã, phường, thị trấn như: Cát Khánh, Cát Tiến, Cát Minh (huyện Phù Cát); Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Thanh, Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn)..., sẽ yêu cầu chủ tàu, ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sắp tới Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp với các đồn, trạm kiểm soát biên phòng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU tại các cảng cá, trên các vùng biển; không để tàu cá bốc dỡ thủy sản khai thác tại các điểm lên cá bất hợp pháp (chưa công bố mở cảng cá theo quy định). Đồng thời, tổ chức trực hệ thống Trạm bờ 24/24 để kịp thời giám sát và yêu cầu 3.221 tàu cá đang hoạt động vùng khơi đã lắp thiết bị VMS phải duy trì kết nối 24/24. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan tích cực hướng dẫn ngư dân, DN thực hiện truy xuất thủy sản khai thác điện tử (eCDT) vì đây là một nội dung EC đang rất quan tâm.
Huyện Phù Cát là một trong những địa phương đang rất quyết tâm không để xảy ra trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài nào nữa, sau một số vụ từ đầu năm đến nay. Huyện thường xuyên rà soát, nhận diện 83 tàu có nguy cơ cao khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài; phân công cán bộ, đảng viên phụ trách theo dõi, tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chủ tàu, ngư dân và vận động người thân, người quen biết kịp thời báo cáo ý định vi phạm. Một giải pháp mới đang được huyện triển khai là thông qua các thầy cô giáo, vận động học sinh thường xuyên gọi điện thăm hỏi cha, chú, bày tỏ mong muốn người lớn làm tấm gương sáng cho con em noi theo.
Công tác phòng chống khai thác IUU thực sự đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. “Mong rằng, từng cơ quan, đơn vị, từng người thân của ngư dân đánh bắt xa bờ, trong chức năng, quyền hạn và nghĩa vụ công dân, hãy cùng chung tay để không chỉ góp phần giúp Việt Nam gỡ “thẻ vàng” mà còn hướng đến ngành thủy sản phát triển bền vững”, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc đề nghị.
NGỌC TÚ