Ðập Dâng Hà Thanh (huyện Vân Canh): Ðảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt
Gần 2 năm thi công, công trình đập dâng Hà Thanh (huyện Vân Canh) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tạo nguồn, bổ sung lưu lượng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đồng thời cải tạo cảnh quan môi trường, điều hòa không khí trong vùng.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh (đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án công trình đập dâng Hà Thanh) cho biết: Dự án đập dâng Hà Thanh có tổng vốn đầu tư 173 tỷ đồng, gồm 5 hạng mục công trình xây dựng, thực hiện từ năm 2023 - 2024. Trong đó, có 3 đập dâng (đập dâng số 1, số 2 và số 3) được xây dựng trên sông Hà Thanh, do Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành thi công; hạng mục nâng cấp hồ chứa nước Quang Hiển (ở xã Canh Hiển) do nhà thầu Công ty CP Xây dựng 47 đảm nhận; đường ống dẫn nước (dài hơn 8,6 km) do Công ty TNHH Thủy Dương thi công.
Đập dâng số 3 thuộc đập dâng Hà Thanh vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Ảnh: TRỌNG LỢI
Cụ thể, đập dâng số 1 và đập dâng số 2 thuộc thị trấn Vân Canh. Đập dâng số 1 cách cầu Suối Mây 1,6 km về phía hạ lưu sông Hà Thanh, mặt đập rộng 100 m. Đập dâng số 2 cách đập dâng số 1 hơn 850 m, mặt đập rộng 100 m. Đập dâng số 3 cách đập dâng số 2 gần 3 km về phía hạ lưu thuộc xã Canh Hiệp, mặt đập rộng 140 m. Cả 3 đập dâng được xây dựng bằng bê tông cốt thép, với hình thức đập tràn chảy tự do.
Trong khi đó, hồ chứa nước Quang Hiển được nâng cấp từ dung tích 3,3 triệu m3 lên 5,66 triệu m3, nâng cao trình đỉnh đập đất từ 69,5 m lên cao trình 73 m. Công trình này còn được nâng cấp hạng mục tràn xả lũ, với chiều rộng tràn 40 m. Đường ống dẫn nước dài hơn 8,6 km với điểm đầu đấu nối lấy nước từ hồ Quang Hiển dẫn về thượng lưu đập dâng số 1, số 2 và số 3.
Vui mừng là cảm xúc chung của nhiều người dân ở Vân Canh khi hay tin công trình đập dâng Hà Thanh đã hoàn thành thi công, đưa vào sử dụng. Lòng sông Hà Thanh dốc, nước chảy mạnh vào mùa mưa lũ và không tích được nhiều nước. Vì vậy, vào mùa nắng hạn trước đây, nguồn nước trong sông gần như khánh kiệt, khiến mạch nước ngầm bị suy giảm, dẫn tới nhiều giếng nước sinh hoạt của người dân trong vùng trơ đáy. Hệ quả, bà con ở đây thường rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa nắng nóng. Giờ đây, nỗi lo này đã được giải quyết khi nhiều công trình đập dâng giữ nước được xây dựng trên sông Hà Thanh.
Ông Nguyễn Văn Sơn, ở thôn 4, xã Canh Hiệp - chủ cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp Vân Sơn, chia sẻ: “Mọi năm, vào đầu tháng 5, nhiều giếng nước ở đây đã khô cạn. Nhưng bây giờ đã khác rồi, nước khá dồi dào!”.
Hồ chứa nước Canh Hiển được nâng cấp, góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo UBND xã Canh Hiển, hồ chứa nước Quang Hiển sau khi nâng cấp đảm bảo cung cấp nước tưới cho khoảng 200 ha đất sản xuất nông nghiệp ở địa phương, góp phần cải tạo môi trường sinh thái kết hợp phát triển du lịch. Chung niềm vui, chị Lê Thị Bảnh, ở làng Suối Đá, xã Canh Hiệp hồ hởi nói: “Gia đình tôi có khoảng 4 sào đất trồng lúa ở cánh đồng thôn Thanh Minh, xã Canh Hiển. Khi hồ chứa nước Canh Hiển chưa được nâng cấp, gia đình chỉ gieo sạ một vụ lúa Đông Xuân, vụ Hè Thu phải chuyển sang trồng mì. Tuy nhiên, năm nay, vừa gặt xong vụ Đông Xuân, gia đình tiếp tục gieo sạ vụ lúa Hè Thu. Nhờ nguồn nước dồi dào, cây lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt”.
Đề cập lợi ích mà đập dâng Hà Thanh đem lại cho địa phương, ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho hay: “Công trình góp phần trữ nước tạo nguồn, bổ sung lưu lượng nước vào mùa khô, đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 người, nước sản xuất 150 ha đất nông nghiệp ở các xã Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh, cải tạo cảnh quan môi trường. Khác với mọi năm, thời điểm này, giếng nước của bà con ở thị trấn Vân Canh, xã Canh Hiệp và Canh Hiển đã hết khô đáy; gần 140 ha đất sản xuất lúa vụ Hè Thu năm nay không còn rơi vào cảnh thiếu nước tưới. Do đó, có thể khẳng định rằng, dự án đập dâng Hà Thanh là công trình có ý nghĩa rất quan trọng để thúc đẩy KT-XH phát triển ở địa phương”.
TRỌNG LỢI