BÀI DỰ THI “BÌNH ÐỊNH - ÐẤT VÀ NGƯỜI”
Dấu muối Diêm Vân
Tôi hay gọi muối là phù sa, một thứ phù sa của biển, kết tinh từ cần lao nhọc nhằn của diêm dân. Tôi hay nhớ về một vùng “phù sa biển” xứ Nẫu đã khuất mờ đâu đó trong ký ức, cồn lên nhoi nhói mỗi khi đi ngang qua chợ Gò ở Tuy Phước.
May mắn muối Chợ Gò
Người Bình Định hẳn ai cũng nhớ phiên chợ Gò, phiên chợ mỗi năm chỉ nhóm một buổi sáng mùng Một Tết với biết bao xúng xính áo hoa. Tết năm nay, tôi không bỏ lỡ phiên chợ đặc biệt này. Lá trầu, bịch gạo, nắm muối… Chút lộc đầu năm. Không cưỡng cầu, không trả treo, thách giá. Thứ mọi người trao nhau là nụ cười và lời chúc một năm an lành, may mắn.
La cà xem qua nhiều gian hàng, tôi chú ý nhiều hơn với muối, người ta hay bảo nhau “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” như một cách hướng về sự may mắn, hanh thông. Ô hay có lẽ thế mà ở chợ Gò cơ man là muối. Nom thế thôi, mặn cả đấy nhưng người tinh tế sẽ nhận ra chúng không hoàn toàn giống nhau. Tôi không tinh tế đến vậy, nên trong tôi luôn dấy lên loạt câu hỏi, chẳng biết giữa bao gian muối ở chợ, có muối nào là muối Diêm Vân (Phước Thuận), muối được lấy từ cánh đồng muối của chính vùng đất Tuy Phước này không?
Bà Lê Thị Điệp với gian hàng tại phiên chợ Gò. Ảnh: VÂN PHI
Sáng mùng Một tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, tôi có một cuộc trò chuyện thú vị với một cư dân kỳ cựu của chợ Gò - bà Lê Thị Điệp, đã 86 tuổi, quê ở Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước. Gian hàng của bà cũng cau, cũng trầu, những loại rau trái vườn nhà… Và muối, đặc biệt là muối, bà Điệp luôn nhấn mạnh như thế - “Chợ Gò là chợ cầu may mắn. Mà giản dị, mộc mạc, chân thành cho lời nguyện cầu không gì bằng muối. Tôi từng này tuổi là từng đó năm có ở phiên chợ này, từ trong bụng mẹ tôi đã đến chợ Gò. Đã rất nhiều đổi thay nhưng những mặt hàng chính - trầu cau, gạo và muối vẫn vẹn nguyên…”.
Bà cười tươi rói mà vẫn cứ xa vắng khi nghe lời thắc mắc “còn không muối Diêm Vân” của tôi. Muối Diêm Vân không còn nhiều đâu con ơi. Muối nơi đây phần nhiều lấy từ Phù Mỹ, Phù Cát về, chở từ Quy Nhơn ra đấy. Diêm Vân rồi sẽ thành phố xá, chẳng còn người làm muối đâu…”.
Diêm Vân muối mặn đời người
Đã có thời, hạt muối rất quý. Dưới thời Pháp thuộc, việc bán muối được chính quyền thực dân quản chế hà khắc; ai liều lĩnh buôn lậu muối sẽ bị trấn áp, lưu đày tù tội. Muối quý giá vì quá đỗi cần thiết cho cuộc sống.
Với diêm dân, hạt muối như hạt gạo. Tôi còn nhớ rõ lời rao như còn vẳng lại hơn hai thập niên trước tự quê nhà: “Ai muối không, ai muối không”. Bao năm đi qua, hình ảnh người diêm dân có nước da ngăm đen mặn chát vị biển cùng chiếc xe đạp chất ứ hự những bao muối to kềnh còn mãi lưu dấu trong ký ức.
Nữ diêm dân làng muối Diêm Vân đang thu hoạch mẻ muối. Chị nói, có thể đây là vụ muối cuối cùng của làng. Ảnh: VÂN PHI
Trong một cuộc vui cách đây ít lâu, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú khoe với tôi một “hạt vàng” mới sưu tầm được, rồi anh cất giọng hát luôn: “Từ Diêm Vân đến Vinh Quang/ Ruộng muối bờ cá hàng ngàn dặm xa/ Từ Bình Thái qua Khe Nhà/ Nghề nò, nghề đón, nghề chà biết bao”. Câu hát ấy minh chứng cho một vùng làm muối Diêm Vân trù phú thuở xưa. Theo thời gian, đồng muối đã khác. phải khác!
Lần ấy, quãng năm 2020 tôi đến Diêm Vân đúng lúc bà con ở đây đang tập kết muối. “Hôm nay được nắng, muối đẹp!”. Hai chữ “muối đẹp” trong cái giọng tấm tắc sung sướng của nữ diêm dân khiến tôi đảo mắt nhìn quanh đồng muối. Thiệt ra, nào còn cánh đồng mênh mang trắng muốt nhìn đến mê mắt năm xưa. Trước mặt tôi, chỉ còn khoảnh đất nhỏ với đôi ba diêm dân còn giữ nghề. Phần vì nghề làm muối… nhọc quá. Phần vì nơi đây nằm trong quy hoạch, mở rộng của thành phố, đất canh tác dần co cụm lại. Cơ cực nghề, sản xuất manh mún mà giá muối lại cao thấp vô chừng, cứ trì níu những phận người. Cuối cùng diêm dân cũng lơi dần ra, ngày càng ít người bám trụ với đồng muối mặn mòi, những người gắn đời mình với muối như một định phận đã thưa vắng. Nhưng muối vẫn đẹp, xoay xoay hạt muối trong tay vẫn thấy lấp lánh đáng yêu vô ngần. Chao ôi, tôi lại nhớ lời bà Điệp - giản dị, mộc mạc, chân thành cho lời nguyện cầu không gì bằng muối.
Dù chẳng làm muối nữa, mưu sinh bằng một công việc khác, thì mọi người vẫn nhắc nhớ với cháu con về làng muối, về chuyện ba mẹ chúng từng gánh từng thúng muối, từng lang bạt khắp nơi trên chiếc xe cà tàng đổi muối trong cuộc trằn trì mưu sinh như thế nào. Giữa nao nao dòng hồi tưởng của tôi ngân lên chút êm đềm khi nhìn cách những đôi bàn tay chai sần của diêm dân đang và muối vào thúng, rồi nhẹ nhàng gỡ lấy sợi cỏ rơi lạc vào đống muối trắng tinh. Tôi nhận ra cái cách các chị nâng niu từng hạt muối như mẹ, như cha tôi nâng niu từng hạt gạo của làng.
Những ngày cuối cùng của đồng muối Diêm Vân. Ảnh: VÂN PHI
Đứng trước đồng muối Diêm Vân chỉ còn đôi ba hộ theo giữ nghề, tôi chạnh nghĩ, rồi đây, đồng muối Diêm Vân như lời rao xưa đã thăm thẳm khôn cùng, sẽ chỉ còn trong ký ức. Không chỉ có hạt muối, nghề muối, ruộng muối, diêm dân mà có thể sẽ có một vùng văn hóa mờ khuất khi đô thị “nở nồi” nhanh quá. Có lẽ phải nhắc nhớ nhiều hơn, chẳng phải than nghèo kể khổ mà để trân trọng hơn những gian lao, vất vả đã từng mà biết thương quý hạt cơm, nắm muối. Tôi tin điều ấy. Như tin ân nghĩa bao đời của người xứ Nẫu. Như tin người đàn ông trung niên lấy thân mình chở che cho muối giữa cơn mưa trong thẳm xa ký ức. Cũng như tôi tin vào muối, muối muôn đời vẫn mặn…
Những nẻo phù sa biển
Mới rồi có dịp về tỉnh Bạc Liêu, tôi bị bất ngờ khi người dân nơi đây xem muối như một thứ đặc sản quý giá và họ chế biến muối thành hàng chục sản phẩm, đóng hộp bài bản, làm thành một thức quà độc đáo dành tặng thập khách gần xa. Tìm hiểu, tôi mới hay “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều năm nay, muối Bạc Liêu được xuất sang Campuchia, được đưa vào thị trường Nhật, Hàn Quốc. Cô bạn của tôi, nhà văn Nguyễn Kim Nghỉ đang làm ở tạp chí Văn nghệ Bạc Liêu còn hào hứng đọc cho tôi câu ca dao của người Bạc Liêu lưu giữ bao đời: Chừng nào chưa cạn biển Đông/ Bạc Liêu còn muối anh không sợ nghèo…
Ngẫm người mà nghĩ về ta. Giá mà người làm muối Bình Định cũng có hướng mở ra xán lạn như nghề muối của quê hương công tử Bạc Liêu thì hay biết mấy. Thì hiểu là, để muối sống và lan tỏa, cần hội tụ hàng trăm điều. Nhưng, không gì là không thể, là tôi cứ nghĩ thế, khi mong mỏi hạt muối quê mình khác đi, rồi những cánh đồng muối ít ỏi còn lại ở Phù Cát, Phù Mỹ sẽ khác đi, theo một hướng tích cực nào đó cho phận muối bớt nhọc nhằn…
Bạn tôi, một người siêng đọc thường tâm đắc nói, trong Đại Nam nhất thống chí, đoạn về người Bình Định viết như sau: “Học trò chăm học, nhân dân siêng cày; tính tình trầm tĩnh, dũng cảm, thích việc nghĩa… Đồ mặc, đồ dùng thì giản dị mộc mạc, không ưa văn hoa...”. Suốt trong bộ sách, đọc hết mấy chục tỉnh từ Lạng Sơn đến Hà Tiên không thấy người nơi đâu có nét chung “trầm tĩnh, dũng cảm, thích việc nghĩa” như người Bình Định. Tổ tiên ta vẫn dạy rằng, Người là Hoa của Đất. Vì người là hoa của đất nên cùng với ruộng vườn, cỏ hoa, cây trái, sông ngòi, đầm phá… nghìn năm qua và trăm năm đang tới hẳn Người xứ Nẫu vẫn hưởng lợi từ ân sủng đất trời, thừa tự từ tổ tiên vị mặn mòi kết tinh từ biển - là muối. Có như vậy người xứ Nẫu mới vững những bước chân, mới căng những lồng ngực tràn đầy sức sống đi tới tương lai.
VÂN PHI