KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY MỞ ÐƯỜNG HỒ CHÍ MINH - NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ÐỘI TRƯỜNG SƠN (19.5.1959 - 19.5.2024)
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
65 năm trước, đường Hồ Chí Minh được khai mở, trở thành mắt xích quan trọng nối hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chia lửa với miền Nam ruột thịt, bằng con đường huyền thoại này, hậu phương miền Bắc góp sức chi viện cho tiền tuyến, giúp quân và dân Việt Nam đánh thắng kẻ thù, thống nhất đất nước.
Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc
Ngày 19.5.1959, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Ra đời tháng 5.1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Và ngày 19.5.1959 cũng trở thành ngày truyền thống của Đoàn 559 - ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn (BĐTS) - đường Hồ Chí Minh.
16 năm phục vụ và chiến đấu, bộ đội Công binh Trường Sơn với 4 sư đoàn, hơn 1 vạn TNXP và dân công hỏa tuyến trong mưa bom bão đạn vẫn kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường. Với lời thề “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, họ đã phá núi, vượt đèo, lấp vực, xuyên rừng, vượt thác mở đường, bám đường, bảo vệ và sửa chữa đường, đảm bảo thông suốt một hệ thống giao thông kỷ lục gồm 5 tuyến đường trục dọc, 21 tuyến đường trục ngang với gần 17.000 km đường xe cơ giới.
Đoàn xe vận tải hùng hậu và quân đội ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 trên đường Trường Sơn - chiến dịch cuối cùng thống nhất hai miền Nam - Bắc. Ảnh tư liệu
Bộ đội vận tải Trường Sơn với 2 sư đoàn ô tô cơ động bằng “gan vàng dạ ngọc”, “còn người còn xe, còn hàng” đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Vừa phục vụ vừa trực tiếp chiến đấu đánh địch, bộ đội bộ binh Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào, Tây Thừa Thiên - Quảng Nam - Tây Nguyên, bảo vệ vững chắc hệ thống giao thông Trường Sơn cùng hành lang tuyến chi viện cho tiền tuyến. 1 sư đoàn và 9 trung đoàn phòng không bộ đội Trường Sơn với tinh thần “nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã kiên cường đánh trả máy bay địch, bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải chi viện cho các chiến trường.
Với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường”, lực lượng giao liên Trường Sơn đã mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào ra chiến trường. Các lực lượng thông tin Trường Sơn với tinh thần “Coi dây như ruột, coi cột như xương” dưới bom đạn ác liệt, trên địa hình hiểm trở đã xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn cây số dây thông tin các loại...
Trong kỳ tích của Đoàn 559 BĐTS, không thể không kể đến các binh chủng cùng các lực lượng Hậu cần, Quân y, Văn hóa đã trực tiếp phục vụ và tham gia các chiến dịch. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, 6 sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phối hợp với các quân đoàn chủ lực trên nhiều hướng. Lực lượng ô tô chiến đấu của 2 sư đoàn BĐTS đã trở thành lực lượng cơ động bộ binh đi cùng xe tăng, thiết giáp của các quân đoàn chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và chiếm dinh Độc lập trưa 30.4.1975.
Thanh xuân gửi lại
Đã 65 năm, trong lòng bao thế hệ BĐTS ngày ấy luôn khắc khoải về cung đường huyền thoại. Bao lớp đồng đội đã về miền mây trắng Trường Sơn, người ở lại cũng ít nhiều quên nhớ, nhưng ký ức hào hùng vẫn sống, vẫn được nhắc mỗi dịp tháng 5 về...
Vào BĐTS năm 1965 khi mới 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Khắc Minh (công tác tại Đại đội 4, D3, Binh trạm 35, 36; hiện ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) vẫn luôn xác định rằng dù có chết chóc, đau thương nhưng sẽ không yếu mềm. Ông Minh chia sẻ rằng đường Trường Sơn khi ấy là tuyến đường của máu và hoa. Trên cung đường ấy, tỉnh ta cũng có hàng nghìn người con ưu tú là cán bộ, chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến đã tham gia mở đường, chiến đấu và phục vụ chiến đấu dọc đường Trường Sơn; trong đó, nhiều người đã anh dũng hy sinh.
“Để giữ cho “mạch máu” không tắc, chúng tôi ngày đêm bám trụ, đội bom hứng đạn. Dính bom thì chết, không dính thì cứ thế mà đi. Đồng đội của tôi cười đó rồi chết đó, cũng cứ đi. Lúc ấy, sống chết nó bình thường lắm”, ông Minh chia sẻ.
CCB Hoàng Văn Tuất (77 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn; từng có 21 năm gắn bó với BĐTS) cũng chia sẻ rằng khi ấy cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Ông kể, hòng cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, địch bất kể đêm ngày thực hiện oanh kích bằng đủ loại máy bay với nhiều loại bom đạn khác nhau. Địch đánh ban ngày, bộ đội làm ban đêm. Cứ sau mỗi trận bom, tổ trinh sát lại ra hiện trường kiểm tra khối lượng sạt lở, dò bom, tìm cách nghiên cứu phá bom.
“Có lần tôi phải gánh thùng phi có bọc rơm bên ngoài lăn trên đường để gỡ bom. Bom nổ, may mắn tôi chỉ bị thương nhẹ. Tối đến, sau khi san lấp mặt đường, bộ đội công binh chúng tôi lại đứng chờ xe vận tải. Chúng tôi đứng đó làm cọc tiêu cho từng xe qua. Làm cọc tiêu sống, chúng tôi nắm lấy tay nhau, nói với từng lái xe hãy yên tâm mà lái. Lái xe và công binh lúc ấy như răng với môi, đoàn kết lắm”, ông Tuất tâm sự.
CCB Hoàng Văn Tuất chia sẻ những kỷ niệm thời là bộ đội Trường Sơn. Ảnh: H.P
Gương mẫu, nghĩa tình đồng đội
Để phát huy truyền thống của BĐTS và đáp ứng nguyện vọng của các CCB, ngày 12.5.1998, UBND tỉnh đã ra quyết định cho phép thành lập Ban liên lạc BĐTS Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bình Định. Từ khi thành lập đến nay, Ban liên lạc đã tập hợp được hơn 1.000 hội viên, tổ chức sinh hoạt tại 7 Ban liên lạc cơ sở. Từ nhiều nguồn kinh phí, Ban liên lạc đã xây dựng được 12 nhà tình nghĩa cho hội viên gặp khó khăn, mỗi căn được hỗ trợ 50 - 70 triệu đồng. Ngoài ra, Ban liên lạc còn tổ chức thăm, tặng hơn 1.000 suất quà cho hội viên đau ốm, bệnh tật hiểm nghèo và viếng hội viên từ trần.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở về cuộc sống đời thường, nhiều CCB BĐTS trong tỉnh luôn sống giản dị, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động cũng như các phong trào thi đua của hội, của địa phương bằng những việc làm thiết thực.
Đơn cử là CCB Nguyễn Thị Toan (66 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) đã có 30 năm tham gia làm công tác tại địa phương. Trong đó, từ năm 1998 đến nay bà đảm nhiệm chức Trưởng Khu phố 3. Từ năm 2019, bà tiếp tục nhận thêm nhiệm vụ Bí thư Chi bộ Khu phố 3. Trên cương vị được giao, bà Toan luôn luôn gương mẫu trong sinh hoạt, tận tụy với công việc, tích cực vận động nhân dân trong khu phố thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước cũng như các phong trào thi đua tại địa phương. Đặc biệt, bà thường xuyên đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, quan tâm động viên mọi người cùng thực hiện tốt nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh khu phố sạch đẹp với phương châm “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”. Bà Toan khẳng khái nói: “Khi mọi người cùng nhau đoàn kết, nỗ lực thì mọi việc đều có thể làm được. Còn sức thì tôi sẽ còn làm công việc này”.
* Đường Hồ Chí Minh trở thành chiến trường có không gian rộng lớn trải suốt 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Tuyến đường này là sáng tạo vĩ đại của Đảng và Quân đội ta. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng khẳng định: “Không có tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh thì không thể có thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.
* 16 năm chiến đấu anh dũng, đã có gần 20.000 BÐTS hy sinh; 32.000 người bị thương tật, hơn 10.000 người nhiễm chất độc da cam. BÐTS cũng đã vinh dự được Ðảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
HỒNG PHÚC