Khắc phục hậu quả bom mìn, cải thiện cuộc sống người dân
Dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” triển khai tại Bình Ðịnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo điều kiện cho nhân dân an tâm lao động, sản xuất, góp phần phát triển KT-XH tại các địa phương.
Ngày 23.5, tại huyện Tây Sơn, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA), Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) và UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ khởi công Dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc”.
Rà phá bom mìn, vật nổ trên diện tích 6.000 ha
Theo báo cáo hiện trạng tồn lưu, ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam năm 2018, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 159/159 xã, phường, thị trấn thuộc 11/11 huyện, thị xã, thành phố bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với tổng diện tích gần 250 nghìn hécta, chiếm hơn 40% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Các đại biểu tham quan vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác rà phá bom mìn, vật nổ. Ảnh: H.P
Giai đoạn 2018 - 2021, Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh thực hiện tại Bình Định đã tiến hành khảo sát kỹ thuật được 10.700 ha. Trong đó đã xác định gần 4.800 ha đất bị ô nhiễm bom mìn và đã tiến hành rà phá, giải phóng được hơn 4.200 ha, thu được gần 68.000 bom mìn, vật nổ các loại và tổ chức tiêu hủy bảo đảm an toàn.
Đồng thời, dự án cũng tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn, hướng dẫn, rà soát và thu thập thông tin nạn nhân bom mìn với hơn 43.700 người tham gia, trong đó xác định được hơn 26.800 lượt người có nhu cầu hỗ trợ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn tuyên truyền về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn...
Đối với Dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” được khởi động sẽ tập trung củng cố và áp dụng hệ thống xác định ưu tiên hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn gắn kết chặt chẽ với mục tiêu nhân đạo và phát triển KT-XH. Mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ khảo sát kỹ thuật, rà phá bom mìn; quản lý thông tin; triển khai khảo sát kỹ thuật 15.000 ha và rà phá bom mìn vật nổ trên diện tích 6.000 ha tại 3 tỉnh Bình Định, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng khẳng định: Dự án sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo điều kiện cho nhân dân an tâm lao động, sản xuất, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương cũng như nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về cách phòng tránh tai nạn bom mìn. Đồng thời, hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn để sớm hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực
Chiều 22.5, Sở KH&ĐT phối hợp với UNDP tổ chức lễ bàn giao Trạm Y tế thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Phước Thành (huyện Tuy Phước). Đây là hoạt động thuộc Hợp phần phát triển nông thôn thuộc Dự án “Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” (1 trong 4 dự án hợp phần của Dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc”).
Bày tỏ niềm vui tại buổi tiếp nhận, bà Hồ Thị Lệ Thu, Trưởng Trạm Y tế xã Phước Thành, cho hay: “Công trình được đưa vào sử dụng gồm 1 phòng khám chữa bệnh từ xa, 1 phòng dân số - kế hoạch hóa gia đình và 1 phòng xét nghiệm. Công trình hoàn thiện sẽ đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tiếp cận các dịch vụ tốt, chất lượng và giảm áp lực cho cơ sở tuyến trên”.
Dự án “Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” dự kiến triển khai từ tháng 5.2024 - 12.2026, do VNMAC làm chủ dự án; với tổng vốn hơn 14 triệu USD (Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA dưới sự điều phối của UNDP). Dự án được triển khai thực hiện tại Bình Định, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi với sự tham gia của 14 đơn vị công binh trong toàn quân.
Thuộc diện hưởng lợi từ Dự án “Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc”, gia đình bà Cao Thị Xuân Hồng (hộ nghèo ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) được hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng nhà ở chống lũ. “Căn nhà cũ vừa ọp ẹp vừa xuống cấp nên thường rơi vào cảnh nắng rọi, mưa dột. Chồng và cả con tôi đều bị bệnh hiểm nghèo. Cả nhà chỉ trông cậy vào đám chuối trong vườn để bán lá, chưa bao giờ nghĩ có thể xây được một căn nhà”, bà Hồng chia sẻ.
Trong năm 2023, Hợp phần phát triển nông thôn cũng đã triển khai thành công hoạt động hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến (3 giảm, 3 tăng) thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Tây Vinh và hỗ trợ nông dân thực hiện sản xuất đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tây Giang, thuộc huyện Tây Sơn.
Ông Lee Byung Hwa, Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam, cho biết: “Thông qua dự án này, chúng tôi sẽ hỗ trợ 400 ngôi nhà chống lũ và 50 trạm y tế xã, phường; trong đó Trạm Y tế xã Phước Thành là công trình hoàn thành đầu tiên. Chúng tôi xin tái khẳng định cam kết của mình trong việc khắc phục di sản chiến tranh và cải thiện sinh kế người dân”.
Nguồn: BTV
Bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án
Phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc”, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, khẳng định khi dự án hoàn thành, nhân dân vùng trọng điểm bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ tại Bình Định, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế sẽ được an toàn trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.
Cùng với việc hoàn thành 3 dự án thành phần do UBND 3 tỉnh thực hiện trong Dự án “Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc”, nhiều cộng đồng dân cư và nạn nhân bom mìn được sinh hoạt tại các Làng Hòa bình được hỗ trợ phát triển về con người và các sinh kế, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của các địa phương.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cũng đề nghị VNMAC tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Nhà tài trợ KOICA và UNDP tại Việt Nam, cụ thể là Ban Quản lý dự án, với trách nhiệm cao nhất, tập trung điều hành việc triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động, đảm bảo dự án hoàn thành đúng kế hoạch, an toàn tuyệt đối với con người và môi trường, đặc biệt là an toàn về bom mìn, vật nổ.
HỒNG PHÚC