Tôi phải lòng Quy Nhơn
Xin được nói ngay, tôi sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Phú Yên - huyện Sông Hinh. Năm 17 tuổi, lần đầu tiên đặt chân đến Quy Nhơn, ngay lập tức tôi đã cảm mến thành phố xinh đẹp này và ước ao ngày sau sẽ được sinh sống tại đây. Thật may mắn, 5 năm sau, tôi chính thức chuyển đến làm việc và định cư ở phố biển Quy Nhơn.
Có lẽ, tôi yêu mến Quy Nhơn rất tự nhiên có phần vì tôi cũng là người con xứ Nẫu- Phú Yên. Những điểm tương đồng trong lối sống, trong ngôn ngữ, trong phong tục tập quán tạo cho tôi sự gần gũi ngay khi mới vừa tiếp xúc với cư dân nơi đây. Loáng một cái hơn 10 năm đã trôi qua, ấn tượng tốt đẹp ban đầu đó mãi theo tôi đến tận bây giờ và chừng như còn tha thiết hơn bởi cảnh và người Quy Nhơn.
Tuyệt vời cảnh sắc Quy Nhơn
Lần đầu đến Quy Nhơn, ấn tượng đọng mãi trong tôi bấy giờ là cảnh sắc. Tôi được anh trai đèo bằng xe máy từ Sông Hinh đến Quy Nhơn vào tháng 7.2007 để thi đại học. Sau khi vượt cung đường Sông Cầu - Quy Nhơn, từ đỉnh đèo đã thấp thoáng một thành phố nhỏ, bình dị, nằm trải ra mềm mại sát bên bờ biển; Quy Nhơn là một dải đất hẹp, vươn dài giữa núi và biển. Cảm giác thật tuyệt vời khi xe chạy chầm chậm trên tuyến đường An Dương Vương- Xuân Diệu; gió từ biển thổi vào cùng với màu xanh của hàng dừa, màu vàng dịu của bờ cát làm tôi dễ chịu vô cùng. Ký ức đẹp nhất mỗi khi tôi nhớ về Quy Nhơn là vậy.
Đó không phải lần đầu tiên tôi đến với biển. Nhưng có lẽ không ở đâu như ở Quy Nhơn. Phố men ra đến mép sóng và biển lùa sâu vào trong phố xá là ấn tượng khắc sâu vào ký ức tôi.
Bờ biển ôm trọn Quy Nhơn tạo thành vầng trăng khuyết. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Biển Quy Nhơn níu giữ lòng một kẻ lạ như tôi bởi nét thoai thoải, chạy dài từ Ghềnh Ráng xuống đường Trần Hưng Đạo, bờ biển ôm trọn thành phố tạo thành vầng trăng khuyết. Ai một lần được ngắm vầng trăng này sẽ không thể nào quên. Đi dọc phố biển Quy Nhơn từ đường An Dương Vương đến đường Xuân Diệu tôi ngang qua một loạt những địa danh có tính biểu tượng thành phố như Khu Du lịch Ghềnh Ráng, Trường ĐH Quy Nhơn, eo Sân Bay, Tượng đài Chiến Thắng… Và khi vào thăm Khu Du lịch Ghềnh Ráng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một vùng cảnh sắc có phần nguyên sơ và thơ mộng. Những dãy núi đá nhấp nhô, chập chùng với một bên là bãi tắm độc đáo với vô số viên đá cuội được sóng biển mài bóng như những quả trứng khổng lồ mà theo tương truyền Hoàng hậu Nam Phương rất yêu thích nơi này - có lẽ vì thế mà bãi Trứng của nhân gian còn có thêm một cái tên nữa là bãi tắm Hoàng Hậu. Giữa sườn đồi thoai thoải là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử - một thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Đứng ở đây và phóng tầm mắt bao quát toàn bộ phía Đông thành phố và xa hơn là đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai, trải ra trong mắt bạn là bức tranh Quy Nhơn với những sợi cảm xúc mảnh dẻ len nhẹ vào hồn, khiến bạn khoan khoái, dễ chịu vô cùng.
Một thiếu nữ 17 tuổi đến từ một huyện miền núi như tôi dễ dàng bị Quy Nhơn chinh phục.
Tương truyền Hoàng hậu Nam Phương rất yêu thích nơi này - có lẽ vì thế mà bãi Trứng của nhân gian còn có thêm một cái tên nữa là bãi tắm Hoàng Hậu. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Nhờ công việc sau này, tôi được khám phá thêm nhiều vùng đất của Quy Nhơn. Tự rất sớm tôi đã biết đến hồ Phú Hòa mênh mông ở rìa thành phố, sông Hà Thanh uốn khúc quanh co xanh đến diệu kỳ, những thắng cảnh Kỳ Co - Eo Gió, làng chài Nhơn Lý, Hòn Khô - Nhơn Hải; tôi cũng nhiều lần ra đến Cù Lao Xanh, tức xã đảo Nhơn Châu… Và ấn tượng nguyên sơ ở đó - dữ dội mà hiền hòa, hào sảng mà khiêm nhường, con người với thiên nhiên hòa quyện, sinh sống cùng nhau… khiến tôi biết chắc rằng thật khó rời xa Quy Nhơn. Nếu bạn chưa từng trực tiếp trải nghiệm, hẳn sẽ thật khó hình dung tạo hóa đã ưu ái dành tặng cho Quy Nhơn nhiều như thế nào đâu, tin tôi đi nhé!
Đậm đà ẩm thực Phố Biển Quy Nhơn
Nhưng phố biển Quy Nhơn không chỉ có biển xinh đẹp với những làng chài đáng mến. Nơi đây còn là thiên đường ẩm thực, hội tụ tinh hoa của ẩm thực miền Trung thăng hoa với hương vị riêng của xứ Nẫu.
Nói về ẩm thực Quy Nhơn, nhiều người nghĩ ngay đến món bánh hỏi cháo lòng hay những món hải sản tươi roi rói, ngon lành. Còn tôi, đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên cảm tình đặc biệt với món bánh xèo tôm nhảy. Quê tôi cũng là vùng đất có nhiều món ăn ngon, phong phú và nhiều điểm tương đồng ẩm thực với Bình Định, trong đó có món bánh xèo. Nhưng bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn với phần vỏ bánh giòn rụm, phần nhân tôm căng đỏ tươi óng ả, những miếng mực mềm mọng, ngọt lừ cộng thêm bí quyết từ chén nước chấm, tất cả hòa quyện tạo thành miếng ngon khó cưỡng. Tôi có nhiều bạn bè, khách quen khắp trong Nam ngoài Bắc và khi chiêu đãi họ ở Quy Nhơn ai cũng ngợi khen tuyệt phẩm này.
Biển Quy Nhơn với sự giàu có của mình mang lại cho khách phương xa nhiều hương vị ẩm thực đầy ấn tượng, khó phai nhòa. Không chỉ bằng vị ngon, cảm giác thoải mái, tuyệt vời sẽ thật sự hoàn hảo khi bạn được trải nghiệm ẩm thực bên bờ biển, trong ánh bình minh khi mặt trời vừa ló dạng trên mặt biển, hay những chiều hoàng hôn với gió biển mát rượi lùa vào hồn. Không còn là dịch vụ, mua bán nữa, Quy Nhơn khiến người ta có cảm giác đang được tận hưởng và đó là tặng phẩm của một vùng đất hào phóng.
Bởi vì yêu, xin cho tôi được viết hoa Phố Biển Quy Nhơn.
Tôi phải lòng Quy Nhơn…
Thật xấu hổ và nói theo kiểu nôm na là hơi dị dị khi viết ra như thế này. Nhưng làm sao tôi có thể cưỡng lại được mình; có một sự thật là tôi đã phải lòng Quy Nhơn, cả đất và người xứ sở này.
Với tôi, người Quy Nhơn là gia đình tôi, là những người chị, người anh, người em tôi gặp gỡ mỗi ngày, là chú bảo vệ vẫn luôn nở nụ cười mỗi khi thấy mặt, là cô hàng rau, hàng cá tươi xanh tôi hay ghé, là chị lao công cần mẫn làm sạch những con đường, là anh cảnh sát giao thông tuần tra trên phố... Những con người chân chất, bình dị đó góp phần tạo nên bức tranh tổng thể Đất và Người Quy Nhơn. Liệu người ta có thể không phải lòng sự giản dị, chân thành và đáng mến như thế không? Với tôi, thưa thật là không thể.
Hơn mười năm sinh sống và làm việc, chứng kiến những đổi thay, trở mình, vươn dậy của Quy Nhơn, tôi càng thêm tự hào khi là một công dân của thành phố đẹp xinh, đáng yêu này. Từ những đường phố in dấu trăm năm, những tường rêu mái ngói xưa cũ cho đến những tuyến phố mới tinh khôi, xanh sạch, khang trang, hiện đại…, tất cả đưa Quy Nhơn trở thành một điểm đến hấp dẫn, níu chân du khách trong và ngoài nước.
Đó là những nốt cao thăng hoa, nhưng nếu lắng lòng bạn sẽ lội được vào những nốt trầm của chiều sâu thành phố. Ở đó có một Quy Nhơn trầm mặc, bình yên tháp Chàm cổ kính, những hàng bông giấy trăm tuổi Quy Hòa lặng lẽ khoe sắc… Hãy cho mình một dịp đứng ngắm hoàng hôn trên cầu Thị Nại, trải ánh nhìn từ vùng ven đầm ra đến sườn núi trên bán đảo Phương Mai, nghe tiếng còi tàu viễn dương rúc lên những hồi dài vang vọng, bạn sẽ có cảm giác thành phố như đang mở rộng ra một cách hữu hình. Và thật kỳ diệu, bạn đã được Quy Nhơn mến thương ôm vào lòng che chở.
***
Nhà thơ Chế Lan Viên viết “khi ta ở chỉ là nơi đất ở”, nhưng với tôi, khi được sinh sống tại nơi mà mình chan hòa thương yêu, những sợi cảm tình cảm mảnh mai, vô cùng tinh tế sẽ dệt cho ta một cái kén đủ rộng để ta thấy mình được bảo bọc, mỗi ngày bằng sự gắn bó rất đỗi tự nhiên. Ta sẽ tan ra ở đó, nơi đất và người giàu có những tình cảm chân thành, giản dị. Và thật tuyệt khi đất đã “hóa tâm hồn” dù ta vẫn đang ở đây.
Với tôi, từ lâu Quy Nhơn đã hòa quyện vào trong từng nhịp tim, hơi thở. Quy Nhơn là nơi tôi được ngắm các con mình dần lớn lên. Có thể rồi chúng sẽ đi học hoặc đi làm ở nơi khác, và khi đó Quy Nhơn tựa như một người bạn thân thiết, cùng tôi đứng đợi những đứa con đi xa trở về.
LÊ THỊ MỸ HOÀNG