Các hộ dân sống trong vùng sạt lở núi Cấm: Chờ phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Sau hai năm rưỡi xảy ra sạt lở núi Cấm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát), việc xử lý để đảm bảo an toàn cho người dân vẫn chưa hoàn thành.
Người dân mong đợi
Dự án Xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp các hộ dân sống trong vùng sạt lở tại núi Cấm (do UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư) vì một số lý do không hoàn thành kịp trong thời gian 2022 - 2023, nên UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thêm 1 năm (2022 - 2024).
Theo ông Lại Minh Đức, Trưởng thôn Chánh Thắng, việc xây dựng khu tái định cư còn chậm. UBND huyện, UBND xã cho biết sẽ đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trước mùa mưa năm nay.
Một số hộ dân từng bị ảnh hưởng nặng bởi sạt lở núi Cấm vào tháng 11.2021 vẫn nơm nớp lo sợ sự việc trên tái diễn vào mùa mưa bão, nhưng chưa được thông tin cụ thể về việc di dời. Ông Bùi Thìn (73 tuổi, nhà ở thôn Chánh Thắng) cho biết: “Hai vợ chồng tôi đã cao tuổi, không còn làm gì ra tiền, nếu có di dời thì chỉ mong bồi thường, hỗ trợ đủ để chuyển đến nơi tái định cư”.
Cũng đồng ý chỉ cần “đủ tái định cư” là bà Mai Thị Huệ (65 tuổi), hộ nghèo, sống một mình trong căn nhà nhỏ gần khu vực sạt lở núi Cấm. “Rất mong sớm có thông tin cụ thể về việc di dời để tôi chuẩn bị, có vấn đề gì khó khăn cho mình thì còn xoay xở…”, bà Huệ lo xa.
Bà Mai Thị Huệ sống một mình trong căn nhà nhỏ gần sát khu vực sạt lở đất núi Cấm. Ảnh: H.T
Ông Lại Minh Đức cho biết thêm, 52 hộ dân trong thôn đã hoán đổi tổng cộng 3 ha đất ruộng để san nền mặt bằng xây dựng khu tái định cư, nhưng đến nay chưa được đền bù 2 vụ hoa màu trong năm 2023.
Bên cạnh đó, sau khi xảy ra sạt lở thì tỉnh, huyện chủ trương chuyển diện tích rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, không cho người dân tiếp tục trồng, khai thác rừng sản xuất trên núi Cấm. Tuy nhiên, các hộ trồng rừng vẫn chưa được bồi thường, hỗ trợ.
Sẽ bồi thường, hỗ trợ đúng quy định, phù hợp thực tế
Từ cuối tháng 2.2024, UBND huyện Phù Cát có tờ trình gửi UBND tỉnh, xin phê duyệt Dự án bố trí, ổn định dân cư khẩn cấp 64 hộ dân vùng sạt lở đất núi Cấm, theo hình thức bố trí tập trung tại khu tái định cư nêu trên, diện tích được giao 200 m2/hộ, thực hiện trong năm 2024. Dự án cũng đưa ra các giải pháp về bồi thường cho các hộ về đất đang sử dụng, bồi thường tài sản gắn liền với đất; chính sách hỗ trợ trực tiếp với các hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ thiên tai…
Khu vực thi công xây dựng khu tái định cư di dời khẩn cấp các hộ dân sống trong vùng sạt lở đất núi Cấm (ảnh chụp ngày 8.5). Ảnh: H.T
UBND tỉnh đã giao UBND huyện Phù Cát chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Sở TN&MT. Theo đó, căn cứ các quy định, chỉ thực hiện bồi thường đất ở và hỗ trợ tái định cư cho các trường hợp thu hồi đất ở có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, Sở TN&MTđề nghị UBND huyện Phù Cát tách riêng đất vườn và đất nông nghiệp để đề xuất các điều, khoản về bồi thường, hỗ trợ theo chính sách do UBND tỉnh quy định, làm căn cứ áp dụng thực hiện cho phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Dũng Luận, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện phối hợp chặt chẽ với Phòng NN&PTNT huyện và các đơn vị liên quan thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 64 hộ dân tại vùng sạt lở núi Cấm.
UBND xã Cát Thành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực hiện công tác này, chịu trách nhiệm xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với đất ở của 64 hộ dân trên. Ông Luận cho biết: Các đơn vị liên quan phải hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày 15.8.2024, chuyển đến Phòng TN&MT huyện thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương, chính sách hỗ trợ các hộ dân phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ thiên tai chỉ áp dụng trong thời gian cụ thể theo quy định, nên đến nay sau thời gian dài, không có căn cứ để thực hiện hỗ trợ đối với 64 hộ dân vùng sạt lở đất núi Cấm.
“Từ kinh nghiệm qua bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh những năm qua, Sở NN&PTNT đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương để đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả hơn trong thực tế và đúng quy định hiện hành. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ dân vùng sạt lở đất núi Cấm thực hiện di dời, ổn định cuộc sống nơi tái định cư”, ông Chương cho biết.
HOÀI THU