Xứng đáng là “người anh lớn” của đội viên
Anh Phạm Văn Phụng, SN 1985, Tổng phụ trách Ðội Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn) là người trẻ nhất trong số 3 tổng phụ trách Ðội của tỉnh đạt Giải thưởng Cánh én hồng năm 2023 do Hội đồng Ðội Trung ương tặng. Suốt 12 năm gắn bó với công tác Ðội, anh Phụng gây ấn tượng bởi sự năng nổ, nhiệt tình, được đội viên yêu mến.
Đề cao tính sáng tạo
Với anh Phụng, làm công tác Đội rất cần sự cập nhật, liên tục đổi mới để dẫn dắt đội viên học tập, khám phá thông qua tham gia sinh hoạt Đội một cách vui tươi, hiệu quả. Đây là tiền đề xây dựng liên đội vững mạnh, đoàn kết.
▪ Được biết, anh đã có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng các CLB, hội nhóm bổ ích cho đội viên sinh hoạt?
- Sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu khi tổ chức các chương trình, hoạt động Đội. Do vậy, tôi cố gắng đọc nhiều, nắm bắt những mô hình, cách làm hay ở các đơn vị bạn rồi chắt lọc, điều chỉnh sao cho phù hợp với liên đội mình.
Tổng phụ trách Đội Phạm Văn Phụng nhận giải thưởng Cánh én hồng năm 2023. Ảnh: NVCC
Năm 2014, sau khi tham gia tập huấn kèn trumpet do Tỉnh đoàn tổ chức, tôi tự đi học thêm ở TP Hồ Chí Minh rồi về dạy miễn phí cho đội viên trong Liên đội. May mắn, các em đều thích, chăm chỉ luyện tập và đạt nhiều giải thưởng các cấp. Sau đó, tôi chia sẻ việc thành lập “đội kèn trumpet” đến các đồng nghiệp. Đến nay, nhiều liên đội trong tỉnh đã có đội kèn tương tự, tạo thêm sân chơi cho học sinh.
Bên cạnh đem đến cái mới, tôi còn mong muốn giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Vậy nên, tôi đã thành lập CLB Bài chòi trong Liên đội, chọn “hạt giống” từ từng khối để tập huấn, sau đó nhân rộng đến từng lớp và tổ chức Hội thi Nghệ thuật bài chòi dân gian tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành vào cuối tháng 2 vừa qua.
Điều tôi hạnh phúc nhất là các em đón nhận bài chòi nhanh và rất hào hứng, đầu tư nhiều thời gian tập luyện để biểu diễn thật tốt. Sau hội thi, số lượng đội viên xin gia nhập CLB tăng thêm, hứa hẹn sự phát triển lâu dài cho CLB.
▪ Theo anh, làm tốt những công tác như nghi thức Đội, sinh hoạt Đội hằng tháng đã đủ thu hút học sinh tham gia hoạt động Đội chưa?
- Làm tốt công tác nghi thức Đội và các chương trình cố định theo khung hoạt động của tổ chức Đội các cấp là điều cơ bản. Tuy nhiên, để phong trào Đội phát triển mạnh thì cần nhiều hơn thế.
Theo tôi, ngoài làm đủ, cần làm hay, làm tốt; tức là sáng tạo nhiều hoạt động từ nền tảng sẵn có, phù hợp với độ tuổi và sở thích của học sinh. Chương trình có sinh động, nhiều màu sắc và niềm vui thì các em mới có hứng thú tìm hiểu và tham gia. Ngoài ra, việc tổ chức thêm các sân chơi, hoạt động ngoại khóa bổ ích, có tính giáo dục cũng cần được chú trọng thực hiện, nhằm đảm bảo các tiêu chí: vui, khỏe, học mà chơi, chơi mà học.
Gần gũi, yêu thương học sinh
Tổng Phụ trách Đội là vị trí gần gũi với học sinh, dễ nắm bắt, tiếp cận những suy nghĩ, mong muốn của các em. Hiểu được lợi thế ấy, anh Phụng luôn tranh thủ mọi lúc có thể để trò chuyện, hỗ trợ học sinh khi cần…
▪ Trở thành Tổng phụ trách Đội chắc hẳn là một hành trình đáng nhớ với anh…
- Mỗi chặng đường trong hành trình trở thành Tổng phụ trách Đội đều để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Nơi đầu tiên mà tôi bén duyên với vị trí này là Trường Tiểu học số 2 Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vào năm 2011.
Phần lớn học trò tại đây đều là người dân tộc thiểu số, ít hứng thú với việc đến trường. Do vậy, các em rất dễ bỏ học để cùng cha mẹ mưu sinh. Trong 1,5 năm gắn bó, tôi nhiều lần đến từng nhà, mang theo ít đồ ăn, món quà nhỏ để vận động học trò tiếp tục việc học. Đến nhà không gặp, tôi cùng giáo viên chủ nhiệm của các em đi rừng, lên rẫy, gặp phụ huynh lẫn các em. Nhờ kiên trì, nhiều trường hợp đã quay lại với trường lớp.
Tổng phụ trách Đội Phạm Văn Phụng luôn gần gũi với học sinh và được các em yêu mến. Ảnh: D.L
Đến cuối năm 2012, tôi chính thức nhận công tác tại Trường THCS Ngô Mây, bắt đầu lại từ đầu ở môi trường mới. Nhiều khác biệt về môi trường, nhận thức của học sinh, áp lực của người trẻ khi mới về trường… khiến tôi khá căng thẳng. Thế nhưng, theo thời gian, tôi học được cách thích nghi và tập trung vào công tác Đội. Niềm đam mê với những phong trào, hoạt động “măng non” đã tiếp thêm động lực cho tôi phấn đấu đến ngày nay.
▪ Theo anh, để trở thành một Tổng phụ trách Đội được đội viên yêu quý, cần trau dồi những kỹ năng nào?
- Có rất nhiều kỹ năng cần phải trau dồi và tùy từng thời điểm các em cần đến mình như thế nào thì mình ưu tiên nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là sự chân thành! (Cười).
Một số thành tích của Tổng phụ trách Đội Phạm Văn Phụng (SN 1985, ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ): HLV Trung ương cấp 2 năm 2020; Giải nhì Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022; Giải thưởng Cánh én hồng cấp Trung ương, cấp tỉnh năm 2023; Bằng khen của Tỉnh đoàn vì đã hoàn thành xuất sắc công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2022 - 2023…
Thật lòng mà nói, tôi cố gắng làm gương cho học sinh, chỉn chu từ lời ăn tiếng nói đến hành động, bởi tôi biết rằng học sinh luôn nhìn người thầy để học và trưởng thành. Song song với đó, với vị trí công tác mang tính đặc thù, tôi cần đảm bảo mình phải nắm chắc các kỹ năng cần thiết, nói được, làm được để học sinh tin tưởng và nghe theo.
Tiếp đến, để “thổi hồn” vào công tác Đội, thu hút các em tham gia nhiệt tình, người Tổng phụ trách phải đam mê, lắng nghe và gợi mở để đội viên phát huy tinh thần học hỏi, sáng tạo - thế mạnh của các em.
Đồng thời, tôi cũng làm những mô hình “handmade” nho nhỏ như lời khuyến khích, động viên học trò thi đua đạt thành tích tốt.
Nhà có 2 tổng phụ trách
Để chinh phục được nhiều thành tích, anh Phụng luôn có sự đồng hành của người đồng nghiệp tin cậy, cũng là hậu phương vững chắc - chị Võ Thị Ánh, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn). Nhà có 2 Tổng phụ trách mang lại nhiều thú vị và hạnh phúc rất khác…
▪ Khi 2 Tổng phụ trách Đội chung một nhà, chắc hẳn sẽ có nhiều điều thú vị…
- Vì là đồng nghiệp, chúng tôi dễ dàng trao đổi các vấn đề chuyên môn, cùng thảo luận cách tổ chức, triển khai hoạt động Đội sao cho tốt, cho hay; thậm chí đôi khi tranh luận chỉ để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho công việc. Nhờ thấu hiểu đặc thù công việc nên hai vợ chồng dễ thông cảm và phân công, sắp xếp việc nhà, chăm con, nhất là vào những đợt cao điểm trong công tác Đội.
Tuy nhiên, chúng tôi ít có ngày nghỉ cùng nhau vì phải tổ chức các hoạt động cho liên đội - vốn thường diễn ra vào cuối tuần. Vì thế, chúng tôi học cách chia sẻ và luôn ủng hộ, cổ vũ nhau nỗ lực phấn đấu.
Chẳng hạn, ngày tôi nhận đạt giải thưởng Cánh én hồng cấp Trung ương, dù rất muốn nhưng vì công việc, vợ tôi không thể cùng vào Khánh Hòa. Cô ấy xem tôi nhận giải trên chương trình truyền hình trực tiếp và rất tự hào trên cả khía cạnh đồng nghiệp lẫn người thân.
▪ Vậy thì kỷ niệm của gia đình hẳn sẽ in đậm dấu ấn của Đội?
- Chắc chắn rồi! Vì chúng tôi đều dành niềm đam mê cho công tác Đội nên mọi kỷ niệm đáng nhớ của các thành viên trong gia đình đều in đậm màu sắc này. Rõ nhất là con gái 9 tuổi của tôi tuy còn nhỏ nhưng lại dạn dĩ, thích học các kỹ năng mềm và tham gia các phong trào Đội ở trường, ở lớp.
Vào cuối tuần rồi, gia đình tôi đã chụp ảnh kỷ niệm trong trang phục Tổng phụ trách Đội, đội viên. Ai cũng vui vì có bộ ảnh chung thể hiện rõ sở thích, mối liên kết đặc trưng của cả nhà.
▪ Cảm ơn anh! Chúc anh sức khỏe, tiếp tục niềm đam mê với công tác Đội!
DƯƠNG LINH (Thực hiện)