VIỆC CẢI TẠO, NÂNG CẤP PHẦN ÐẤT HAI BÊN ÐƯỜNG GIAO THÔNG:
Hợp lý nhưng cần đúng quy định của pháp luật
Trong các buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp gần đây, cử tri một số địa phương trong tỉnh nêu bất cập trong việc bảo vệ, quản lý phần đất hai bên nền đường giao thông.
Cụ thể, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc chỉnh trang đô thị, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch đẹp là việc làm hết sức cần thiết. Trong đó, có việc đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo phần diện tích đất dọc theo tuyến tỉnh lộ lâu nay là nền đất, lầy lún thành nền bê tông xi măng sạch đẹp nhưng vẫn đảm bảo thoát nước, góp phần giúp các tuyến đường này sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì cơ quan quản lý đường bộ không đồng ý và đề nghị xử lý vi phạm.
Ông Lê Thanh Hà (ở xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) cho biết đường ĐT 639 đi qua trước mặt nhà ông, dọc 2 bên là nền đất, hay lầy lội vào mùa mưa. Để góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch đẹp, ông có ý định mua xi măng về trám phần đất này cho sạch, không làm cao hơn nền đường, đảm bảo thoát nước, nhưng chính quyền địa phương không chấp nhận do vi phạm quy định.
“Việc cấm xây dựng nhà ở, các công trình kiên cố trên phần đất hành lang đường bộ là đúng. Còn việc thay đổi nền đất thành nền bê tông xi măng, vẫn đảm bảo thoát nước, không làm hư hỏng đường mà vi phạm pháp luật là bất cập”, ông Hà nêu kiến nghị.
Nhiều hộ dân sống bên đường ĐT 639 tự ý xây dựng, gia cố mở rộng nền đường. Ảnh: V.L.
Một số cử tri tại xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) cũng nêu bất cập trên. Cử tri cho rằng, đối với công trình lớn phải xin giấy phép của cơ quan có thẩm quyền mới được làm, còn khoảnh đất trước mặt nhà có tỉnh lộ đi qua, người dân muốn bê tông cho sạch sẽ, không làm hư hỏng đường mà phải xin phép là vô lý.
Theo lãnh đạo chính quyền các địa phương, thời gian qua, nhiều hộ dân dọc các tuyến tỉnh lộ đã lén lút cải tạo, bê tông phần đất hai bên đường, không báo cáo chính quyền. Khi phát hiện thì đã hoàn thành, chính quyền địa phương chỉ lập biên bản báo cáo lên trên chứ không có chức năng xử lý.
Về vấn đề này, theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình đường bộ trong phạm vi đất dành cho đường bộ đối với các tuyến đường đang khai thác để hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Sở GTVT luôn đồng tình, ủng hộ. Trong đó, việc cải tạo các hạng mục nền đất lầy lún thành nền bê tông xi măng, góp phần chỉnh trang đô thị, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc là việc làm hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, thời gian qua, có tình trạng các địa phương tự ý tổ chức triển khai đầu tư gia cố mở rộng nền - mặt đường và các hạng mục chỉnh trang đô thị (bó vỉa vỉa hè, trồng cây xanh trang trí…) dọc một số tuyến đường tỉnh trên địa bàn. Sở GTVT đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện, nhắc nhở và kịp thời hướng dẫn các địa phương tổ chức lập các hồ sơ đề nghị chấp thuận xây dựng, gửi Sở GTVT để xem xét cấp phép thi công theo quy định.
Thời gian đến, Sở GTVT sẽ đề nghị UBND cấp huyện có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn UBND cấp xã tổ chức thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo đúng quy định. “Trong trường hợp cần thiết, đề nghị các địa phương chủ động liên hệ Sở GTVT (thông qua Phòng Quản lý giao thông) để được phối hợp hướng dẫn các hồ sơ, thủ tục, đảm bảo đạt yêu cầu, đúng quy định”, ông Tuấn cho biết thêm.
VĂN LƯU