Quy Nhơn “giữ lửa” di sản trong trường học
Nhờ sự đa dạng, tính tương tác cao, bài chòi và trò chơi dân gian được ngành GD&ĐT TP Quy Nhơn triển khai sâu rộng trong các trường học; giúp học sinh có vốn hiểu biết cơ bản về nghệ thuật truyền thống của quê hương, từ đó tham gia gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
1.Thành lập từ năm học 2018 - 2019, CLB bài chòi Trường Tiểu học & THCS Nhơn Châu đã thu hút nhiều học sinh tham gia. Ông Trần Huệ Thiện, giáo viên âm nhạc, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB tổ chức sinh hoạt hàng tuần, do tôi và cha tôi - nghệ nhân ưu tú Trần Hữu Phước - trực tiếp hướng dẫn cách hô hát, thực hành, biểu diễn. Hiện CLB có hơn 50 học sinh, hầu hết đều có khả năng trình diễn bài chòi tương đối tốt.
Vào những ngày lễ, tết, các sự kiện lớn của trường và địa phương, tiết mục bài chòi do học sinh Trường Tiểu học & THCS Nhơn Châu thể hiện luôn được bà con yêu thích, tán thưởng. Trường đã 2 lần đạt giải nhất khi tham gia Hội thi diễn xướng bài chòi dân gian cấp THCS của TP Quy Nhơn. Em Nguyễn Huy Chương, lớp 8A, chia sẻ: “Hát bài chòi không dễ nhưng em thấy rất vui, thú vị nên chịu khó tập luyện. Giờ em rất vui vì có thể hô hát thuần thục nhiều câu thai bài chòi”.
Với gần 100 hiệu học sinh, có thể thực hiện hô, hát bài chòi dân gian tròn 1 hội - bao gồm các bước: Khai trường, khai hội, trình hiệu, trình thẻ, kiểm thẻ, hô mời, rút thẻ hô thai, công bố trúng thưởng và hát kết dâng thưởng - Trường THCS Ngô Mây là “điểm sáng” của ngành GD&ĐT TP Quy Nhơn về gìn giữ và phát triển nghệ thuật bài chòi. Bên cạnh những câu thai quen thuộc, CLB bài chòi THCS Ngô Mây còn sưu tầm một số câu thai mới, có ý nghĩa giáo dục, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trường vừa tổ chức thành công Hội thi bài chòi dân gian lần thứ I năm 2024 có hơn 70 hiệu là học sinh tham gia.
Trường THCS Ngô Mây tổ chức Hội thi bài chòi dân gian lần thứ I năm 2024 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thu hút đông đảo du khách, người dân và học sinh tham gia.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, phấn khởi chia sẻ: Nhiều năm qua, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động hô hát bài chòi dân gian, nhằm tạo sân chơi bổ ích, khơi dậy niềm đam mê bài chòi cho học sinh, giúp các em hiểu thêm về bản sắc văn hóa của dân tộc để cùng chung tay giữ gìn. Chứng kiến sự hào hứng của các em, tôi thấy rất vui vì lớp trẻ dần biết trân quý, yêu thích nghệ thuật truyền thống do cha ông mình sáng tạo.
2. Bà Tô Thị Thu Hường, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, cho biết: Hiện, 100% số trường THCS đều thành lập và duy trì CLB bài chòi, các hoạt động trò chơi dân gian. Nhiều năm qua, chúng tôi chú trọng đẩy mạnh việc phổ biến bài chòi, trò chơi dân gian sao cho thật phù hợp; nhờ vậy, đã thu hút sự tham gia tích cực của học sinh các cấp.
Dễ thấy nhất, là vào giờ ra chơi, nhiều học sinh các trường THCS, Tiểu học ở TP Quy Nhơn lại quây quần tham gia các trò chơi dân gian theo từng nhóm. Ở tiết thể dục, ngoài những môn quen thuộc như điền kinh, nhảy cao, nhảy xa… giờ đây các em thêm hứng thú khi được chơi trò chơi dân gian như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, nhảy dây, nhảy bao bố, cướp cờ, kéo co, đánh bi, chi chi chành chành, tập tầm vông…
Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Quang Trung đã chú trọng tổ chức, đưa bài chòi và các trò chơi dân gian đến gần với học sinh. Em Nguyễn Huỳnh Khánh Thy, học sinh lớp 4D, bày tỏ: Em thấy rất vui khi được thư giãn cùng bạn bè sau giờ học. Nhiều trò chơi dân gian phải vận động, phải chơi theo nhóm, giúp em rèn luyện thể chất, trí tuệ, gắn kết với bạn bè và có kỹ năng làm việc nhóm.
Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Quang Trung rộn ràng các trò chơi dân gian.
Cô Lê Thị Bích Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, cho biết thêm: Những năm gần đây, nhiều học sinh bị cuốn sâu vào trò chơi điện tử. Chúng tôi không ngăn cấm, kỳ thị trò chơi điện tử nhưng khuyến cáo các em không nên chơi những trò bạo lực, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và về lâu dài ảnh hưởng đến nhân cách của các em. Cùng với đó, chúng tôi lồng ghép các hoạt động văn hóa, phổ biến trò chơi dân gian, tạo không gian giải trí bổ ích, lành mạnh; giúp các em rèn luyện thể chất, khéo léo, nhanh nhẹn hoạt bát, tạo động lực thi đua học tốt...
Cô và trò Trường Mầm non Hoa Mai cùng chơi trò chơi dân gian.
3. Các trường mầm non cũng thường xuyên tổ chức nhiều chuyên đề phát triển vận động, thẩm mỹ và ngôn ngữ cho trẻ thông qua hoạt động trên lớp và ngoại khóa; nỗ lực đưa nhiều trò chơi dân gian vào chương trình giúp trẻ được trải nghiệm cả trong và ngoài lớp học. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, chia sẻ, trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ là hoạt động giải trí, đó là kết quả của sự sàng lọc tự nhiên, kết tinh hàng trăm năm của văn hóa dân tộc, tập trung hướng tới đối tượng trẻ em. Cha ông ta rất yêu trẻ, vì thế nghiên cứu sâu trò chơi dân gian sẽ thấy rất nhiều thú vị. Trong đời sống hiện đại, trò chơi dân gian tạo cơ hội để trẻ được rèn luyện thể chất, khéo léo, nhanh nhẹn hoạt bát, vui tươi, gắn kết tình cảm giữa cô và trò, rèn luyện cho trẻ những kỹ năng sống, giáo dục trẻ ý thức, tình yêu gia đình, quê hương. Đặc biệt, khác với trò chơi hiện đại, trò chơi dân gian có độ bền cao, trẻ không chán.
Ngành GD&ĐT TP Quy Nhơn đã có nhiều thành công trong việc “truyền lửa” tình yêu bài chòi dân gian cho lớp trẻ, gìn giữ trò chơi dân gian cho mai sau, góp phần tích cực bảo tồn di sản. Cách đưa bài chòi, trò chơi dân gian vào trường học của Quy Nhơn sinh động, sáng tạo, không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh, tạo cơ hội rèn luyện thể chất mà tổng hòa những yếu tố đó, đã tạo ra một không gian văn hóa giàu bản sắc truyền thống mang hơi thở hiện đại. Nhìn ở khía cạnh này sẽ thấy những gì mà các trường học ở Quy Nhơn làm được là rất lớn, rất đáng ghi nhận.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha
NGUYỄN NGUYỆT