Nức danh đội siêu kỵ Vĩnh Lợi
Giống như nhiều làng biển khác, lễ hội cầu ngư ở làng chài Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) cũng diễn ra với các nghi lễ đặc sắc và các loại hình diễn xướng dân gian phong phú. Tuy nhiên, nét khác biệt tạo nên sự nổi tiếng gần xa của vạn chài Vĩnh Lợi là có thêm phần biểu diễn độc đáo, hấp dẫn của đội siêu kỵ (múa gươm, múa siêu).
Sinh ra và lớn lên tại làng chài Vĩnh Lợi nên mỗi khi đến lễ hội cầu ngư, tôi và bà con trong làng háo hức mong chờ. Sau tết Nguyên đán, có thể nói lễ hội cầu ngư là sự kiện quan trọng nhất trong năm của làng, gắn liền và ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ dân vạn chài Vĩnh Lợi. Không chỉ bà con đang sinh sống tại địa phương, mà cả những người đang làm ăn, sinh sống xa quê cũng luôn háo hức về tham gia. Cứ sắp đến mùa lễ hội, niềm mong nỗi nhớ quê hương Vĩnh Lợi lại càng thêm da diết, càng thôi thúc họ phải trở về sau mỗi cuộc điện thoại, tin nhắn...
***
Lễ hội cầu ngư ở vạn chài Vĩnh Lợi là nét văn hóa dân gian, thể hiện tín ngưỡng của ngư dân miền biển tưởng nhớ công đức của thần Nam Hải (cá Ông - tức cá voi) và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn mở mang vạn chài. Thông qua lễ hội, bà con trong làng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cả làng được bình an, mạnh khỏe, ngư dân được một năm tôm cá đầy thuyền.
Đội siêu kỵ vạn chài Vĩnh Lợi biểu diễn tại Lễ hội cầu ngư của làng năm 2024. Ảnh: HUỲNH NGỌC HIỀN
Tại vạn chài Vĩnh Lợi hiện có hai lăng Ông Nam Hải, gồm Lăng Nam Hải thánh điện (Lăng Ông đại) và Lăng Hải thánh đường. Theo lệ, mỗi năm ngư dân tổ chức hai lần lễ hội cầu ngư vào mùng 10 tháng Giêng và mùng 10 tháng Tư âm lịch. Lễ hội diễn ra với các nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của ngư dân vùng biển như: Thăm sắc (kiểm tra các sắc phong thần của các vua triều Nguyễn), nghinh thần Nam Hải nhập điện, lễ tế thần Nam Hải… Cùng với các nghi lễ, có phần biểu diễn nghệ thuật bả trạo và múa gươm của đội siêu kỵ hầu thần.
Từ nhỏ, bản thân tôi rất ấn tượng và say mê với đội siêu kỵ và đã 2 lần vinh dự được tham gia. Có thể nói phần trình diễn của đội siêu kỵ là nội dung được đông đảo bà con nhân dân chờ đợi nhất. Đội siêu kỵ được đầu tư rất công phu, chỉn chu về trang phục, dụng cụ, dày công luyện tập bài bản. Những động tác trình diễn toát lên sự mạnh mẽ, uyển chuyển của những thế võ cổ truyền của vùng đất võ Bình Định. Bởi vì nét đặc sắc này mà một số địa phương ven biển như: Thôn An Quang (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), hay địa phương xa như thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) cũng đã mời đội siêu kỵ của vạn chài Vĩnh Lợi về biểu diễn tại Lễ hội cầu ngư. Để có sự thành công này, đó là sự đóng góp, hướng dẫn, chỉ bảo không biết mệt mỏi của các cụ cao niên trong làng; sự đóng góp, tinh lọc để hoàn chỉnh của nhiều thế hệ.
Theo các cụ cao niên cũng như những người am hiểu, đội siêu kỵ Vĩnh Lợi có từ lâu đời và quê tôi là địa phương ven biển duy nhất trong tỉnh có đội siêu kỵ. Người tham gia đội siêu kỵ là những thanh niên, ngư dân trẻ của làng.
Thuở ban đầu, đội siêu kỵ gồm 13 người sau đó nâng lên thành 17 người, gồm: 1 tổng, 4 tay búa, 4 tay đao bạc và 8 tay siêu. Thành phần đội hình tham gia mỗi năm mỗi khác bởi phụ thuộc thành viên có khả năng tham gia hay không. Nếu không có gì vướng bận thì việc ghe tàu nào có thành viên đứng vào đội siêu kỵ thì đó là niềm vui, niềm tự hào chủ thuyền và tập thể thuyền viên. Hơn thế nữa việc hướng dẫn từ đầu cho thành viên mới tuy vất vả nhưng ai cũng vui vẻ, nhiệt tình, một mặt để góp phần đảm bảo thành công cho lễ hội, mặt khác thêm vui vì có thêm một người biết trình diễn, coi như là thành viên dự bị của đội siêu kỵ.
Nhiều cụ cao niên trong làng khẳng định, để đội siêu kỵ biểu diễn thành công trong lễ hội, ngoài nỗ lực, cố gắng của toàn đội thì nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng mạnh mẽ đến thành công là tài năng của người được giao nhiệm vụ làm tổng, vì người này chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ quá trình biểu diễn của đội. Vì thế, người được Ban Tổ chức chọn làm tổng phải đáp ứng đủ các yếu tố rất khắt khe như không chỉ thành thạo kỹ thuật, mà còn phải có thân hình cao to, tướng mạo khôi ngô, phải có năng khiếu về võ thuật… để điều hành, chỉ đạo toàn đội siêu kỵ.
Anh Trần Quốc Đại, một người con quê hương Vĩnh Lợi, hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có hơn 20 năm gắn bó với đội siêu kỵ, trong đó có hơn 10 năm giữ vị trí tổng của đội siêu kỵ, chia sẻ: Bất cứ ai khi được gọi tham gia đội siêu kỵ đều vui vẻ nhận lời, vì đó là không chỉ là vinh dự của bản thân, mà còn là vinh dự của cả gia đình, thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng của bà con dành cho mình. Từ năm 17 tuổi, tôi yêu thích và tự hào khi sớm được đứng trong hàng ngũ đội siêu kỵ. Chỉ một năm sau, tôi vinh dự được Ban Tổ chức giao nhiệm vụ làm tổng. Khi nhận lãnh trách nhiệm đó, tôi luôn tâm niệm phải giữ cho được nét truyền thống của quê hương và ngày càng hoàn thiện, phát triển nét văn hóa độc đáo này. Mỗi khi đến mùa lễ hội, tôi và anh em trong làng luôn tất bật chuẩn bị, tập luyện lại cho đội sao cho nhuần nhuyễn từng động tác, vì đây không chỉ là biểu diễn cho bà con xem mà trong tâm linh người làng biển chúng tôi, đây còn là một hình thức giao kết, thể hiện lòng thành kính, báo cáo với các vị thánh thần biển cả. Sự thuận hòa một năm của xóm làng có liên quan đến nghi thức này rất nhiều.
Những năm gần đây, nhằm chung tay góp sức với bà con tại quê nhà, Hội đồng hương thôn Vĩnh Lợi tại TP Hồ Chí Minh đã đứng ra vận động đồng hương Vĩnh Lợi đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh phía Nam cùng góp công góp của, cùng bà con quê nhà tôn tạo lăng thờ, mua sắm thêm trang phục, dụng cụ cần thiết, hỗ trợ các thành viên phục vụ lễ hội cầu ngư vạn chài Vĩnh Lợi. Sự hỗ trợ này đã góp phần nâng tầm lễ hội cầu ngư Vĩnh Lợi, thông qua đó giáo dục các thế hệ trẻ tình yêu quê hương, ý thức duy trì, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của quê nhà, trong đó có phần trình diễn đặc sắc của đội siêu kỵ.
HUỲNH NGỌC HIỀN