Hoài Ân, trung du một khúc tâm tình
Huyện Hoài Ân có 2 con sông lớn chảy qua là sông An Lão dài 20 km và sông Kim Sơn dài 62 km. Hai dòng sông này quanh năm nước trong xanh, như những dải lụa ôm ấp làng quê trung du Hoài Ân, xuôi về đông gặp nhau tại Phú Văn, hình thành nên dòng Lại Giang chảy qua TX Hoài Nhơn rồi đổ ra biển, ghi dấu ấn cho vùng văn hóa “Xứ Hoài” thấm đậm nghĩa đất, tình người.
1.
Nhờ địa hình đồi núi, sông suối phong phú, Hoài Ân sở hữu nhiều thắng cảnh thiên nhiên hữu tình. Đầu tiên phải nói đến những ngọn thác lớn nhỏ, đẹp xinh hữu tình, mà trước hết là thác đổ Nghĩa Điền ở xã Ân Nghĩa, với cột nước dựng cao hơn 30 mét, nơi gắn câu chuyện huyền thoại về cô gái Bana ra bến đợi chờ người yêu đến hóa đá. Thác Trà Kơi vắt mình trên lưng chừng dãy núi Bà Bơi ở xã Bók Tới, ai đến đây cũng dễ đắm mình trong tiếng thác reo, tiếng chim muông và điệu mơn man của gió núi đại ngàn. Thác Nước Lương ở xã Đak Mang nay gắn với công trình đập thủy điện Đak Mang đang dần hoàn thiện.
Thác đổ Nghĩa Điền, một cảnh quan thiên nhiên hứa hẹn nhiều tiềm năng cho khai thác du lịch. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Một địa chỉ hấp dẫn cho những chuyến trải nghiệm về nguồn trên đất Hoài Ân là thác Đá Vàng Bình Hòa ở xã Ân Hảo Đông với 9 gộp thác lớn nhỏ trải dài theo một con suối có nhiều tầng lớp đá tạo những hình dáng kỳ thú, nằm giữa ngút ngàn cây rừng xanh ngắt, mát rượi. Thác Đá Bạc Tân Xuân ở xã Ân Hảo Tây, thác đổ Vạn Hội ở xã Ân Tín, thác đổ Mỹ Đức ở xã Ân Mỹ, thác Đá Bàn ở xã Ân Phong, hứa hẹn tiềm năng khai thác du lịch sinh thái trên đất Hoài Ân.
Hoài Ân là nơi dễ đến nhờ kết nối với hệ thống 4 tuyến đường tỉnh lớn. Đó là tuyến ĐT 629 Bồng Sơn - An Lão dài 30 km, ĐT 630 Cầu Dợi - Kim Sơn dài 25 km (đi qua các xã Ân Phong, thị Trấn Tăng Bạt Hổ, Ân Đức, Ân Tường Tây, Ân Nghĩa), ĐT 631 Diêm Tiêu (Phù Mỹ) - Gò Loi (Hoài Ân) dài 20 km (đi qua xã Ân Tường Đông và Ân Tường Tây của Hoài Ân). Năm 2010 tỉnh Bình Định xây dựng tuyến đường phía tây tỉnh từ An Nhơn đến Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) đi qua các xã của Hoài Ân gồm: Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Đức, Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Mỹ. Hệ thống đường giao thông này khiến Hoài Ân trở nên gần gũi với mọi miền hơn bao giờ hết.
2.
Đất đai ở Hoài Ân đa dạng và khá màu mỡ nhờ phù sa các con sông bồi đắp, thích hợp với nhiều loại cây lương thực và cây công nghiệp. Ngoài cây lúa, Hoài Ân còn có các loại cây màu như bắp, khoai mì, đậu, mè..., phân bố khắp các vùng, hàng năm cũng cho một sản lượng đáng kể. Bên cạnh đó đất Hoài Ân rất phù hợp với cây công nghiệp như dừa, chè, hồ tiêu, đào... Nổi tiếng một thời trong thập niên 80, 90 của thế kỷ XX rồi bẵng đi một dạo mới trở lại là cây chè làm nên danh trà Gò Loi hôm nay. Và nếu lần về xa hơn theo sử sách còn có cây chè Cam Khổ - một sản vật tiến vua của đất Hoài Ân.
Cây bưởi trên đất Hoài Ân hôm nay. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Hôm nay, đất Hoài Ân còn xuất hiện nhiều cây, con nông sản, dần khẳng định vị trí trên bản đồ Bình Định. Có lẽ nổi trội là cây bưởi da xanh và là địa bàn nuôi heo nổi tiếng “Hoài Ân - vựa heo của miền Trung”.
Trang trại chăn nuôi heo của một hộ gia đình ở Hoài Ân. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Cùng với nông nghiệp, Hoài Ân có nhiều nghề thủ công đã một thời nổi tiếng. Nổi bật hơn cả vẫn là nghề trồng dâu nuôi tằm. Từ lâu, Hoài Ân vốn là một trong những vùng trồng dâu lớn của tỉnh Bình Định. Trong đó có một số nơi, trước đây còn làm cả nghề ươm tơ dệt lụa. Tiêu biểu nhất là làng Hóc Nghệ, xã Ô Lâm (nay thuộc thôn An Thường, xã Ân Thạnh) mà hôm nay còn vọng câu ca: Em rời Hóc Nghệ, Ô Lâm/ Bỏ dâu ai hái, bỏ tằm ai nuôi… Em về Hóc Nghệ, Ô Lâm/ Sớm hôm canh cửi, anh đến thăm thêm mừng.
Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Hoài Ân phát triển mạnh mẽ từ rất lâu. Trong kháng chiến chống Pháp, tại An Thường (xã Ân Thạnh) có xưởng dệt Mỹ Hòa ở xóm Cửi, thôn An Thường với 15 khung cửi máy, tập hợp hơn 100 công nhân, sản xuất những sản phẩm tơ lụa làm nổi danh vùng đất Hoài Ân. Địa chỉ này, vào năm 2015 được huyện dựng bia đá ghi dấu lịch sử. Hôm nay, làng dệt vải lụa tơ tằm tuy không còn nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm lấy kén lại phát triển, lan tỏa hầu hết các xã trong huyện, trở thành nghề truyền thống “lấy công làm lời” góp phần xóa nghèo.
Riêng vùng đồng bào dân tộc Bana, dân tộc Hre còn có nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề làm rượu cần... Trong đó, nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới hình thức mẹ truyền con nối. Nếu được nhìn họ dệt, thấy những sản phẩm họ làm ra với những hoa văn, hoạ tiết như hình chữ chi, hình quả trám, hình hoa lá, hình chim thú, hình mặt trời cách điệu... với màu sắc hài hoà bắt mắt nổi trên nền vải giữa những sợi dọc sợi ngang trông thật sắc sảo thì việc nói những người dệt thổ cẩm “vừa là thợ dệt vừa là thợ thêu đầy tài năng” là chính xác.
3.
Con Người Hoài Ân cần cù, chất phác và trọng nghĩa. Trong cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chống áp bức và chống giặc ngoại xâm, biết bao thế hệ người Bana, H’re và người Kinh trong huyện Hoài Ân đã đoàn kết giúp đỡ nhau để khai phá, bảo vệ và xây dựng vùng đất heo hút này thành những làng, thôn, xóm ngày càng đông vui, trù phú có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá giàu bản sắc. Ở đó, nếu người Kinh xem mái đình rêu phong cổ kính là điểm tựa cố kết cộng đồng, thì người H’re coi nhà sàn dài, người Bana coi nhà rông và âm thanh cồng chiêng là linh hồn của làng.
Người Kinh vốn mang trong mình truyền thống văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, chiếm đa số trong cộng đồng dân cư Hoài Ân. Cùng với người Kinh, còn có đồng bào Bana và H’re. Trước kia, bà con sống du canh du cư, ngày nay đã sống định canh, định cư tại 3 xã vùng cao Bok Tới, Đak Mang, Ân Sơn và trở thành những cư dân làm ruộng nước khá thông thạo, đã áp dụng một số kỹ thuật canh tác mới, đời sống ổn định hơn xưa nhiều.
Các dân tộc đã và đang sống trên mảnh đất Hoài Ân giàu tình, trọng nghĩa. Không đâu xa, vào đầu thế kỷ XIX, thủ lĩnh nông dân Chàng Lía cùng nghĩa quân của ông được đất và con người Hoài Ân chở che để thực hiện nhiệm vụ “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” mà hôm nay còn đó di tích lịch sử Chàng Lía - Truông Mây, ở xã Ân Đức. Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Hoài Ân lại là nơi chở che cho phong trào Cần Vương phía Bắc tỉnh Bình Định, mà nổi danh là Căn cứ Hòn tổng Dinh ở xã Ân Hữu gắn với tên tuổi Tăng Bạt Hổ lưu danh thiên cổ - Mây trời quấn quít Hòn Dinh/ Nhớ Tăng tổng trấn một mình đánh Tây.
Trong 9 năm chống thực dân Pháp 1945 - 1954, đất Hoài Ân là “an toàn khu” của khu 5. Con người Hoài Ân giàu lòng nhân ái, chở che, nuôi giấu cán bộ các cơ quan của Khu uỷ Khu 5; dùm bọc đồng bào các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên tản cư về sống trên đất Hoài Ân, đặc biệt là đùm bọc người thân của “ông hoàng đỏ” - Chủ tịch Lào Souphanouvong.
Khu Di tích lịch sử chi bộ Vạn Đức, một “địa chỉ đỏ” trên đất Hoài Ân. Ảnh: VÕ CHÍ HÀ
Trong 21 năm đánh Mỹ, đất Hoài Ân là vùng căn cứ vững chãi, nơi sinh ra, nuôi dưỡng và lớn mạnh của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng - một sư đoàn gắn bó hơn 10 năm, cùng quân dân Hoài Ân làm nên bao chiến công hiển hách mà đỉnh cao là giải phóng huyện Hoài Ân ngày 19.4.1972 và trong giai đoạn 1.000 ngày giữ đất, giữ vững vùng giải phóng Hoài Ân cho đến ngày thống nhất đất nước 30.4.1975.
***
Có thể nói, Hoài Ân là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, văn hoá và lịch sử. Người Hoài Ân cần cù, thông minh và kiên cường. Mạch nguồn ấy, trong biến động của lịch sử và văn hóa tạo nên nét riêng của Xứ Hoài, kết tụ khí phách “Đất kiên trung" và "Người trọng nghĩa” thăng hoa mãi đến hôm nay.
VÕ CHÍ HÀ