Chung tay diệt trừ cây mai dương
Thời gian gần đây, tình trạng cây mai dương (người dân hay gọi là cây trinh nữ nâu, trinh nữ đầm lầy) sinh trưởng mạnh, lan rộng nhanh, lấn át nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp gây lo lắng cho nông dân.
Theo ghi nhận, trên các vùng đất bãi bồi ven sông Hà Thanh đoạn qua địa bàn xã Canh Vinh, Canh Hiển, Canh Hiệp (huyện Vân Canh), cây mai dương phát triển rất mạnh. Không chỉ làm ách tắc dòng chảy, loài cây này còn xâm lấn, “tấn công” nhiều diện tích đất canh tác của người dân.
Ông Trần Văn Hùng (nông dân ở thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh) cho biết: Trước đây, dọc theo các bãi bồi ven sông chỉ có lác đác vài cây mai dương, nhưng thời gian gần đây chúng phát tán rất nhanh, lây lan ra diện rộng. Hiện nay, dọc theo các bãi cát bồi ven sông cây mọc dày, nông dân phát, đốt nhưng chỉ vài tháng sau lại thấy cây mọc xanh um trở lại.
Còn trên địa bàn huyện Tuy Phước, cây mai dương mọc tràn lan trên các bờ kênh, các khu đất hoang, đầm lầy, bờ sông, bờ suối… Một số nông dân tự chặt phá, phát đốt nhưng không ngăn chặn được sự phát tán, lây lan với tốc độ cao của loại cây này.
Cây mai dương mọc tràn lan tại bãi bồi ven sông Hà Thanh thuộc địa bàn xã Canh Vinh (huyện Vân Canh). Ảnh: N.Q
Ông Hồ Văn Hướng (nông dân ở thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa) bức xúc: “Hạt cây mai dương phát tán rất nhanh theo chiều gió hoặc theo dòng nước. Hầu như đầu vụ sản xuất nào nông dân cũng đều vệ sinh đồng ruộng, phát đốt cây mai dương nhưng thật khó để ngăn chặn loài cây này lây lan”.
Ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, thừa nhận cây mai dương đang phát triển nhanh trên địa bàn huyện, đặc biệt là các bờ sông, bờ kênh mương, bờ soi, các khu đất bỏ hoang, khu đầm lầy… ở các xã khu Đông.
“Tuy chưa có con số thống kê cụ thể diện tích đất bị cây mai dương lấn át, tuy nhiên với khả năng phát tán nhanh, loài cây này sẽ nhanh chóng lấn chiếm môi trường sống, ảnh hưởng đến các loài cây bản địa và hệ sinh thái nơi chúng xuất hiện. Thực trạng này không chỉ làm mất dần đất canh tác mà còn làm tăng chi phí sản xuất”, ông Ân nhận định.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở NN&PTNT), cho hay: Nhằm ngăn chặn sự lây lan của cây mai dương, từ nhiều năm nay, vào đầu mỗi vụ sản xuất, Chi cục thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân triển khai nhiều biện pháp tiêu diệt như dùng phương pháp thủ công (phát, trục gốc phơi khô, đốt) hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ. Các biện pháp trên tuy có hiệu quả nhất định nhưng chưa thể diệt trừ triệt để loại cây này.
“Trước những ảnh hưởng tiêu cực của cây mai dương đối với sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái, Chi cục sẽ thường xuyên phát động phong trào ra quân diệt trừ vào đầu mỗi vụ sản xuất. Theo kinh nghiệm của nhiều nơi, muốn diệt trừ hiệu quả cây mai dương, khi cây đang giai đoạn chưa ra hoa, kết trái, nông dân cần phát đốt để tránh phát tán hạt ra tự nhiên”, ông Cang lưu ý.
N.QUÝ