Lên non lập nghiệp
Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu chuyên ngành Dược của Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), anh Vũ Đức Hòa (SN 1995, ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) nhiều năm gắn bó với một công ty dược phẩm của Pháp với mức lương cao. Thế nhưng, anh đã khiến nhiều người bất ngờ với quyết định nghỉ việc, bắt tay vào khởi nghiệp với những sản phẩm làm từ nguồn thảo dược thiên nhiên tại vùng cao An Toàn (huyện An Lão).
Vượt khó lập nghiệp trên đất khách
* Điều gì ở An Toàn thu hút anh chọn làm nơi lập nghiệp, chứ không phải ở quê nhà?
- Lần đầu đến An Toàn, tôi nhận thấy vùng đất này hội tụ đầy đủ những tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng, rất lý tưởng để trồng cây dược liệu. Cùng với đó, tại đây lại có sẵn nguồn dược liệu tự nhiên, có kho tàng những bài thuốc truyền thống của Bình Định, những bài thuốc cổ của người Bana bản địa.
Từ những suy nghĩ đó, chúng tôi đã bắt tay thành lập HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn (gọi tắt là HTX) vào tháng 7.2021 để phát triển, nhân rộng các cây dược liệu sẵn có ở địa phương, sử dụng tri thức của người dân kết hợp với những nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, dựa trên các bài thuốc độc đáo, hiệu quả đã được người Bana ở đây chứng thực hàng trăm năm qua.
* Để làm ra các sản phẩm dược liệu chất lượng cao, chắc rằng anh và HTX gặp không ít khó khăn, trở ngại?
- Để làm ra sản phẩm dược liệu đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tôi và HTX cũng nếm trải không ít lần thất bại khi thử nghiệm. Với quyết tâm phải theo đuổi đến cùng con đường đã chọn, chúng tôi đã tự tìm hiểu, mạnh dạn đi xin những tài liệu, thông tin quý giá về các bài thuốc, cách điều chế dược liệu từ những già làng, người cao tuổi ở xã; tự mày mò, nghiên cứu thông tin trên sách, mạng internet để thực hiện.
Khi bắt tay vào bào chế, để làm ra sản phẩm, chúng tôi phải thực hiện tỉ mỉ, chu toàn từng công đoạn từ lựa chọn, sơ chế nguyên liệu cho đến kỹ thuật nấu, điều chỉnh nhiệt độ, pha chế, cô đặc, chưng cất. Mỗi loại thảo dược đều có dược tính riêng, phải nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ, dung hòa mới điều chế ra được sản phẩm.
Mặt khác, HTX cũng xác định phải tạo ra những sản phẩm chất lượng với giá thành vừa phải để những nhóm khách hàng yếu thế vẫn có khả năng tiếp cận và sử dụng lâu dài. Vậy nên, công đoạn nghiên cứu để tối ưu hóa nguồn cung nguyên liệu, công thức sản phẩm, công nghệ bào chế và chi phí sản xuất, vận chuyển... chúng tôi cũng phải cân đong, đo đếm kỹ lưỡng từng chút một.
Anh Hòa hướng dẫn người dân trồng cây đương quy. Ảnh: D.Đ
* Và, đó là một hành trình không đơn độc…
- Đúng vậy. Thời gian qua, chúng tôi luôn nhận được sự cộng tác nhiệt tình từ nhiều phía để cộng hưởng nguồn lực. Đơn cử như HTX đang liên kết với 31 hộ dân tại thôn 1 (xã An Toàn) để cùng phát triển vùng trồng cây dược liệu đương quy để có thể tự chủ nguồn nguyên liệu, hạn chế tác động bởi nguồn cung, giá cả nguyên liệu trên thị trường.
Ngoài ra, HTX còn được Bệnh viện Y học cổ truyền & Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định, Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn giúp tổ chức các chuyến khảo sát, định danh cây thuốc rừng trong các bài thuốc cổ của người bản địa. Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Quy Nhơn giúp đỡ nghiên cứu, phát triển thử nghiệm các sản phẩm mới, ứng dụng trồng dược liệu không sử dụng phân hóa học...
Đặc biệt, các sở, ngành trong tỉnh còn rất ủng hộ và giúp HTX tiếp cận các nguồn hỗ trợ khác nhau. Hàng trăm HTX, hiệp hội, các DN và hộ kinh doanh trong tỉnh luôn tương trợ, giúp đỡ, tạo nên một hệ sinh thái đoàn kết, tích cực chia sẻ các nguồn lực để HTX từng bước định hình và vươn xa hơn.
Anh Vũ Đức Hòa, Giám đốc HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn. Ảnh: D.Đ
Sống trách nhiệm, sẻ chia với cộng đồng
* Để giúp người dân địa phương chuyển đổi cây trồng, từng bước làm giàu từ cây dược liệu, anh và HTX đã có giải pháp gì?
- Mới đầu, khi tiếp xúc với những người dân ở đây, tôi nhận thấy cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn do sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng, trồng các cây nông nghiệp giá trị thấp. Để thuyết phục người dân chuyển đổi cây trồng, HTX từng bước tạo lòng tin, trồng thí điểm một số mô hình mẫu, từ đó có cơ sở so sánh, phân tích giá trị kinh tế của việc khai thác rừng, trồng mì, trồng dứa so với trồng cây dược liệu.
Giai đoạn 2023 - 2024, HTX còn thực hiện thành công đề tài trồng thử nghiệm cây đương quy cùng Sở KH&CN, từng bước liên kết với bà con thôn 1 cùng triển khai trồng trên diện tích 2,5 ha. HTX cũng tích cực kết nối với các đối tác, cơ sở tiêu thụ trong nước, để đảm bảo đầu ra cho cây đương quy, mang về lợi nhuận cao nhất cho các hộ dân.
* Ngoài giúp người dân làm giàu, anh còn triển khai các hoạt động xã hội khác tại địa phương?
- Trước đây, tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện ở Trường ĐH Lạc Hồng và có vinh dự nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia của Trung ương Đoàn tặng năm 2017. Vì vậy, khi làm kinh doanh rồi, tôi và HTX vẫn thường xuyên tổ chức hoặc kết nối với các cấp chính quyền, DN, CLB tình nguyện, nhà hảo tâm đồng triển khai nhiều hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội tại địa phương.
Điển hình, trong tháng 9.2023, tôi và HTX đã tổ chức hàng loạt chương trình văn nghệ, múa lân, tặng quà và nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập, quần áo ấm cho người dân và học sinh; tặng tủ thuốc, thuốc cho Trạm Y tế xã An Toàn; chia sẻ kỹ năng bảo vệ bản thân cho học sinh, phụ nữ; triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ dứa, chè dây, rau thảo mộc và mật ong rừng cho người dân... góp phần nâng cao ý chí và an sinh xã hội cho người dân.
Từng bước đưa sản phẩm đi xa
* Được biết, các sản phẩm của HTX đã xuất hiện ở nhiều thị trường trong nước, anh có giải pháp gì để mở rộng hơn?
- Hiện nay, HTX chúng tôi đã phát triển nhiều loại sản phẩm dược liệu chủ lực như: Trà thảo mộc Chè Dây Dạ Cẩm, viên uống bổ dưỡng Corceton, viên uống hoạt huyết Hulang, siro ho Lalang, dầu gội thảo mộc Nẫu Ecofarm, gel bôi ngứa thảo mộc Bakazona, được Bộ Y tế chứng nhận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Để đưa các sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, tôi và HTX đã chủ động tiếp cận thị trường từ đa hướng. Cụ thể, chúng tôi đã phát triển đội ngũ trình dược viên, cộng đồng dược sĩ, cộng tác viên tại các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh... xúc tiến đưa các sản phẩm của HTX với thương hiệu BIDICOMED (Bình Định Cooperatives and Medicine) tiếp cận trên 600 nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện trên toàn miền Nam.
Đặc biệt, với sự đồng hành, giúp đỡ của Sở Công Thương, Sở KH&CN, các sản phẩm của HTX đã được đưa đi giới thiệu và bán trực tiếp tại hơn 20 chương trình triển lãm, hội chợ thương mại tại 7 tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, chúng tôi còn bán hàng qua các kênh thương mại điện tử; xây dựng phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại HTX để khách tham quan quy trình chế biến, chứng kiến vùng trồng nguyên liệu, trải nghiệm sử dụng thử sản phẩm tại chỗ, tăng thêm niềm tin từ người tiêu dùng.
* Để nâng cao chất lượng sản phẩm, sắp tới anh có những định hướng gì?
- Nhằm gia tăng sản lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tự cung cấp các nguyên liệu của các sản phẩm chủ lực, sắp tới HTX sẽ liên kết với người dân để mở rộng vùng trồng dược liệu. Đồng thời, chúng tôi sẽ tích cực lắng nghe phản hồi khách hàng để cải tiến sản phẩm; ra mắt một số sản phẩm mới như: Bột thanh nhiệt, kem đánh răng thảo mộc, gel uống dạ dày...; tiếp tục hợp tác với các nhà máy sản xuất đạt chuẩn GMP-WHO để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Trong năm nay, tôi còn dự kiến thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và dược liệu bền vững dưới tán rừng để tăng cường hợp tác, mời các chuyên gia trong, ngoài nước cùng tham gia các dự án nghiên cứu khoa học về dược liệu, từng bước xây dựng thương hiệu BIDICOMED ngày một phát triển và vươn tầm quốc tế.
* Cảm ơn anh. Chúc những dự định trong tương lai của anh và HTX sớm thành hiện thực!
DUY ĐĂNG (Thực hiện)