Mùa măng rừng ở vùng cao An Lão
Hơn nửa tháng qua, khi những cơn mưa ùa về trên các cánh rừng An Lão cũng là lúc cây tre bắt đầu trở mình, bung những chồi măng non. Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch, nhiều người ở huyện vùng cao An Lão vào rừng bẻ măng, kiếm thêm thu nhập.
Chị Đinh Thị Pin gác lại công việc đồng áng, tranh thủ lên rừng hái măng. Ảnh: DIỆP THỊ DIỆU
Một tuần qua, từ tờ mờ sáng, chị Đinh Thị Pin, ở thôn 4, xã An Hưng và một số bà con trong làng tạm gác lại công việc đồng áng, tất bật chuẩn bị cơm, nước, khăn gói lên đường vào rừng sâu để hái măng. Chị Pin chia sẻ: Cứ đến mùa là tôi và bà con trong làng đi hái măng về bán cho thương lái. Măng tre nơi đây mọc tự nhiên, có vị ngọt và giòn khác biệt so với các loại măng của những vùng khác, nên đã trở thành “đặc sản” của huyện miền núi này. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày hái được từ 15 - 20 kg măng, với giá bán hiện nay 20.000 đồng/kg, thu được 300 - 400 nghìn đồng/ngày. Nhờ có những mùa măng như thế này mà gia đình tôi có thêm thu nhập, mua sắm sách vở cho con cái đến trường.
Mưu sinh bằng nghề hái măng rừng lắm nhọc nhằn nhưng người dân An Lão không bao giờ bỏ nghề, luôn xem đây là “lộc rừng”, cứ đến mùa họ vẫn miệt mài, cần mẫn leo núi hái măng. Muốn mùa sau măng mọc nhiều thì khi đào măng, những người hái măng phải để lại ít nhiều cây non để măng mọc thành rừng. Có ngọn măng để bán, có nghĩa là thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống của gia đình.
DIỆP THỊ DIỆU