Chủ động phòng ngừa dịch bệnh vật nuôi
Ðó là yêu cầu của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 14 ngày 20.6.2024 về tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) trả lời phỏng vấn Báo Bình Ðịnh xung quanh vấn đề này.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đầu năm đến nay, đã có 40 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi; 34 tỉnh, thành phố phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại; 13 tỉnh, thành phố ghi nhận dịch lở mồm long móng; 9 tỉnh có dịch viêm da nổi cục trâu, bò; 7 tỉnh xảy ra cúm gia cầm A/H5N1, đặc biệt có 1 người tử vong vì nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5N1 và 1 người nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H9N2.
▪ Cục Thú y cảnh báo nguy cơ dịch bệnh còn gia tăng mạnh thời gian tới, điều này ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa dịch bệnh tại Bình Định như thế nào, thưa ông?
- Đàn vật nuôi của tỉnh ta tiếp đà phát triển, trong đó đàn bò ước đạt 305 nghìn con, tăng 0,2% so với cùng kỳ; đàn heo (không kể heo con chưa tách mẹ) ước đạt 711 nghìn con, tăng 5,8% so với cùng kỳ…
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong tỉnh cơ bản được kiểm soát, nhưng nguy cơ bùng phát không hề thấp; trong khi đó, kết quả tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm (nhất là gia cầm nuôi nhỏ lẻ), phòng dại chó mèo nuôi, viêm da nổi cục trâu bò chưa đạt tỷ lệ theo quy định.
Hơn nữa, tình hình thời tiết rất bất thường, ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển, dễ gây stress và dẫn đến phát sinh dịch bệnh. Do đó, nếu không chủ động phòng bệnh, nguy cơ bùng phát dịch trên đàn vật nuôi rất cao.
▪ Vậy, ngành chăn nuôi của tỉnh, trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chuẩn bị những phương án phòng ngừa nào?
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Sở NN&PTNT đề nghị UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý chăn nuôi, tái đàn và phòng ngừa dịch bệnh. Trong đó, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ và tiêm phòng dại chó mèo; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Các trang trại, DN chăn nuôi thực hiện tốt tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm.
Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh, kịp thời phát hiện để phối hợp triển khai biện pháp chống dịch, hạn chế lây lan. Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chấp hành tiêm phòng đầy đủ vắn xin phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học và hợp tác trong phát hiện, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra, phúc kiểm tại cơ sở giết mổ. Thông tin liên lạc với các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, nhân viên thú y cấp xã, kịp thời nắm bắt tình hình, nhanh chóng xác minh, hướng dẫn xử lý dịch bệnh, hạn chế dịch lây lan diện rộng.
▪ Thưa ông, tình hình thời tiết đang diễn biến với nhiều bất thường, cực đoan ảnh hưởng xấu đến đàn vật nuôi. Ở góc độ chuyên gia, theo ông người chăn nuôi nên phòng ngừa, chăm sóc đàn vật nuôi như thế nào?
Trước mắt, Chi cục tham mưu Sở NN&PTNT xuất cấp 5.040 lít hóa chất để các địa phương chủ động tiêu độc sát trùng môi trường chăn nuôi. Phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn, phối hợp với các địa phương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh, nắng nóng cho vật nuôi. Kịp thời phát hiện, phối hợp bao vây, xử lý dịch bệnh. Tăng cường kiểm dịch tại gốc, kiểm soát hoạt động xuất, nhập gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn; kiểm tra, phúc kiểm tại các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông và kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ động vật, nhất là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Người dân xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) chăm sóc bò. Ảnh: T.LỢI
Đồng thời, chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh trong vùng, địa phương để thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh; vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, nước uống, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Chủ động phát hiện, kịp thời khai báo dịch bệnh với nhân viên thú y cấp xã, chính quyền địa phương để phối hợp xử lý; tuyệt đối không bán chạy, giết mổ gia súc, gia cầm bệnh.
▪ Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)