Chế biến mực trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường
Từ nhiều tháng nay, người dân ở khu phố Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) phải sống trong cảnh môi trường xung quanh bị ô nhiễm bởi mùi hôi nồng nặc bốc ra từ các cơ sở sản xuất, chế biến mực ngào (mực tẩm gia vị) trên đường Trần Quang Diệu (thị trấn Tuy Phước).
Ông L.T.T. (ở khu phố Trung Tín 1) phàn nàn: Các cơ sở chế biến mực ngào trên đường Trần Quang Diệu cho phơi mực trên sân thượng đã phát sinh mùi hôi thối rất nặng, nhất là vào buổi trưa. Cứ gió hướng nào là người dân nơi đó “chịu trận”.
Cơ sở chế biến mực ngào của bà Ngô Thị Sáu (số nhà 34 đường Trần Quang Diệu) đang sản xuất. Ảnh: V.L
“Vì là hàng xóm của nhau nên nhiều khi cũng muốn nói lắm nhưng ngại. Nhiều lúc dọn cơm lên nhưng không thể ăn được vì mùi hôi của mực làm buồn nôn. Cuộc sống của người dân nơi đây gần như bị đảo lộn, rất khổ sở. Nếu tình trạng này còn tiếp tục, chúng tôi rất dễ bị bệnh liên quan đến đường hô hấp”, ông T. nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi trưa 2.7, tại số nhà 34 đường Trần Quang Diệu có hơn 10 người sơ chế mực (mực được tẩm ướp, phơi, cán rồi xé nhỏ cho vào túi ny lông). Vừa bước vào nhà, chúng tôi đã phát ngộp bởi mùi hôi bốc ra nồng nặc. Mùi hôi từ mực phơi trên sân thượng của ngôi nhà này cộng với mùi hóa chất tẩm làm trắng mực khiến môi trường thêm ngột ngạt.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng khu phố Trung tín 1, cho hay: Trên đường Trần Quang Diệu (thuộc khu phố Trung Tín 1) có 5 hộ chuyên nghề chế biến mực ngào, sản xuất quanh năm. Các hộ này đều là bà con họ hàng với nhau, nhà luôn cửa đóng then cài, người lạ khó xâm nhập; chỉ có hộ bà Ngô Thị Sáu (ở số nhà 34 đường Trần Quang Diệu) có thể tiếp cận.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tuy Phước, trước đây, cơ sở chế biến mực ngào tại số nhà 34 đường Trần Quang Diệu của bà Ngô Thị Sáu từng bị xử lý. Khi kiểm tra, tổ công tác liên ngành nhận thấy trong quá trình chế biến, cơ sở này không chấp hành đúng quy định về an toàn thực phẩm, nhất là khu sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Cơ sở này nhiều lần bị xử phạt do vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, chứ chưa phát hiện tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo ông Thanh, việc sản xuất mực ngào tại địa phương này trước đây chỉ có một vài hộ làm theo quy mô nhỏ lẻ, thấy hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ khác làm theo, khiến môi trường càng thêm ô nhiễm. “Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, tới đây, UBND thị trấn sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm. Về lâu dài, địa phương sẽ kiến nghị UBND huyện Tuy Phước quy hoạch, tạo quỹ đất xa khu dân cư để di dời các hộ sản xuất mực ngào về một chỗ nhằm tránh ảnh hưởng đến môi trường, có kế hoạch chuyển đổi nghề cho các hộ không di dời”, ông Thanh nói.
Về vấn đề này, ông Chế Thanh Thi, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tuy Phước, cho biết đến thời điểm hiện tại, Phòng chưa nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm do hoạt động chế biến mực ngào tại khu phố Trung Tín 1. Tiếp nhận thông tin từ phóng viên, Phòng TN&MT huyện sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.
“Để xác nhận các cơ sở này có gây ô nhiễm môi trường hay không, thời gian đến, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện đề nghị Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT) dùng thiết bị lấy mẫu phân tích, xử lý theo mức độ vi phạm”, ông Thi cho hay.
VĂN LƯU