Nâng bước em đến trường
Trước thềm năm học mới, nhiều tổ chức từ thiện- xã hội và các nhà hảo tâm đã tổ chức nhiều hoạt động tiếp sức đến trường cho học sinh nghèo và các em ở vùng sâu vùng xa. Thông qua những buổi trao quà, một số nhà hảo tâm đã kịp thời cưu mang, hỗ trợ toàn diện cho các em vượt khó học giỏi.
Chung tay
Vừa mới bắt đầu kỳ nghỉ hè, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã thực hiện chuỗi hoạt động mang tên “Tiếp sức đến trường” cho trẻ em tại các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh... Tính đến nay, Hội đã tổ chức 19 chuyến thiện nguyện tặng quà tiếp sức đến trường, trao tặng hơn 10.000 quyển vở, gần 1.000 cặp sách, 318 bộ quần áo với tổng giá trị gần 1,1 tỷ đồng. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Hội. Trong khuôn khổ hoạt động, các em học sinh còn được uống sữa dinh dưỡng, vitamin, tham gia các trò chơi…
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh tặng quà tại chương trình “Tiếp sức đến trường” cho trẻ em ở huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: X.Q
Trong khi đó, Hội CTĐ các cấp liên tục kêu gọi nguồn lực để duy trì chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”. Trong 6 tháng đầu năm nay, các cấp Hội CTĐ đã trao gần 1.000 suất sữa dinh dưỡng cho trẻ em khó khăn, vùng sâu vùng xa nhằm góp phần nâng cao thể chất để các em học tập. Hội CTĐ TP Quy Nhơn đã phối hợp với các cá nhân hảo tâm, nhóm thiện nguyện Anh Em, nhóm thiện nguyện Nhất Tâm thực hiện chương trình “Chắp cánh đến trường”, cấp phát sách vở, sữa, bánh kẹo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại TP Quy Nhơn và xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh).
Ngoài ra, các nhóm từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng đã hưởng ứng phong trào, mở rộng thêm đối tượng được nhận hỗ trợ mang tính đặc thù như trẻ khuyết tật.
Anh Phạm Tâm Nhân, Trưởng nhóm thiện nguyện Tâm An (TP Quy Nhơn) - nhóm thường xuyên tham gia các hoạt động chăm sóc trẻ em cùng Hội CTĐ tỉnh và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, chia sẻ: “Thế hệ 8X chúng tôi đã từng vất vả đến trường, nên có sự đồng cảm với các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi đề cao việc học và tin giáo dục sẽ giúp thay đổi tương lai các em. Dù sự hỗ trợ có khi chỉ dừng lại ở những quyển vở, cây bút nhưng cũng sẽ khiến các em cảm nhận được sự bảo bọc, yêu thương của xã hội mà quyết tâm học tập”.
Chăm lo toàn diện, hỗ trợ đúng lúc
Thông qua những chuyến từ thiện, các nhà hảo tâm đã phát hiện kịp thời, hỗ trợ đúng lúc, chăm lo toàn diện cho những trường hợp ngặt nghèo.
Trong 2 năm qua, chị Đỗ Thị Vũ Vân Phương (ở phường Bình Định, TX An Nhơn) đã giúp đỡ cho 2 em nhỏ ở huyện Vân Canh tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường. Trong một chuyến từ thiện cùng chồng tại xã Canh Liên, chị Phương biết được hoàn cảnh em Đinh Y Hướng (ở làng Kon Lót) vô cùng khó khăn, nhà ở xuống cấp, cha mẹ đau bệnh nặng, Hướng có nguy cơ phải nghỉ học để lao động sớm. Ngay lúc đó, chị Phương đã gửi 1 triệu đồng để gia đình Hướng có tiền thuốc men. Sau đó, chị cùng bạn bè quay trở lại ủng hộ quần áo, sách vở và chi phí để cha mẹ Hướng điều trị dứt điểm bệnh da liễu dai dẳng nhiều năm. Bên cạnh đó, chị Phương còn vận động người thân ủng hộ tiền sửa lại căn nhà dột nát. Nhờ đó, Hướng được tiếp tục theo đuổi việc học và đạt được những kết quả cao trong học tập. Ngoài ra, chị Phương còn nhận đỡ đầu cho một em nhỏ ở làng Kà Bưng (xã Canh Liên) mồ côi mẹ, sống với bà ngoại, đi học cho đến năm 18 tuổi.
“Đời sống của các em nhỏ ở vùng miền núi rất khó khăn, ngay cả bữa ăn cũng thiếu thốn thì lấy đâu ra chi phí học hành. Tôi cố gắng vận động người thân hỗ trợ tối đa những trường hợp ngặt nghèo, với những khoản tiền lớn dần theo thời gian”, chị Phương chia sẻ.
Một trường hợp khác, cô Nguyễn Thị Thùy Lê (giáo viên nghỉ hưu, ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) đã hỗ trợ rất nhiều bàn học mới cho trẻ em. Từng chứng kiến nhiều em nhỏ phải chen chúc trên 1 chiếc bàn với 2 công năng, vừa để ăn, vừa để học, cô Lê đã khảo sát thị trường, chọn ra loại bàn học phù hợp để tặng cho các cháu.
Cô Lê chia sẻ: “Trước kia tôi cũng có đến các vùng miền núi để phát quà cho trẻ em. Tôi nhận ra một điều, các em dù ở vùng miền nào, nếu sinh ra trong gia đình khó khăn cũng chịu không ít thiệt thòi”.
Chị Nguyễn Thị Phúc (ở thôn Đại Hào, xã Cát Nhơn) có 3 con đang độ tuổi đi học, là mẹ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn. Đầu năm 2024, chị được cô Lê hỗ trợ 2 chiếc bàn học cho các con sử dụng. “Khi thấy con xuýt xoa trước chiếc bàn học mới của bạn mình, tôi không thể kềm lòng. Song, thường xuyên bị giảm giờ làm tại xưởng may, mỗi tháng chỉ nhận vỏn vẹn 3,2 triệu đồng, tôi không thể sắm cho các cháu chiếc bàn học mới. Hôm bàn mới được cô Lê tặng đưa về nhà, các cháu cứ ngồi mãi không chịu rời”, chị Phúc kể.
XUÂN QUỲNH