Tự tin kết nối, hòa nhập
Chiều 12.7 vừa qua, Trường ÐH Quy Nhơn tổ chức chương trình giao lưu văn hóa giữa sinh viên nhà trường với sinh viên Trường ÐH Quốc gia Jeonbuk (Hàn Quốc). Vượt qua rào cản ngôn ngữ, thế hệ “gen Z” hai nước đã có dịp làm quen, kết nối, tạo nên những kỷ niệm đẹp.
Giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống
Với niềm tự hào về bề dày văn hóa đặc trưng của đất nước mình, các bạn trẻ của hai trường đã mang đến chương trình những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống.
Tiết mục trình diễn trang phục truyền thống Việt Nam của sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh: D.L
Mở đầu là màn giới thiệu trang phục truyền thống các vùng miền, dân tộc Việt Nam của sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn. Trên nền nhạc “Xin chào Việt Nam”, các bạn trẻ duyên dáng, tự tin trình diễn áo dài, thổ cẩm các dân tộc Chăm, Bana… với đủ màu sắc rực rỡ. Dưới khán đài, một số sinh viên người Việt nhiệt tình giải thích thêm bằng tiếng Anh, giúp các sinh viên Hàn Quốc hiểu rõ hơn về từng trang phục.
Chăm chú theo dõi và nhanh tay chụp ảnh, bạn Kim Gibeom (sinh viên năm 2 Khoa Giáo dục thể chất, Trường ĐH Quốc gia Jeonbuk) chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết đến áo dài chứ chưa có cơ hội được xem nhiều trang phục truyền thống khác của đất nước các bạn đến vậy. Tôi đặc biệt ấn tượng với trang phục của các dân tộc thiểu số vì nghe các sinh viên Việt Nam giới thiệu rằng chúng hoàn toàn được làm thủ công, cần nhiều công sức và thời gian để hoàn thiện”.
Về phía Hàn Quốc, các bạn trẻ mang đầy đủ nhạc cụ, trang phục để biểu diễn âm nhạc dân tộc. Cẩn thận hơn, ở mỗi tiết mục, các bạn đều giới thiệu ngắn gọn để giảng viên, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn có thể hiểu, tiện theo dõi.
Thích thú lắng nghe những âm thanh rộn ràng từ những chiếc trống, chiêng truyền thống, kết hợp với những bước nhảy độc đáo do sinh viên CLB Âm nhạc truyền thống đến từ Trường ĐH Quốc gia Jeonbuk mang đến, bạn Phạm Gia Hân (sinh viên năm 3 ngành Du lịch - Lữ hành, Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết, được trực tiếp theo dõi các bạn đồng trang lứa biểu diễn âm nhạc dân tộc là một trải nghiệm rất đặc biệt.
“Khi biết CLB có bề dày 47 năm và các sinh viên đang trình diễn chính là thế hệ hiện tại có trách nhiệm tiếp nối và phát huy nét đẹp văn hóa Hàn Quốc, tôi rất vui vì có cơ hội được làm quen với các bạn. Trong thời đại làn sóng văn hóa hiện đại phát triển vô cùng mạnh mẽ, việc các bạn yêu thích, giữ gìn âm nhạc truyền thống là điều đáng quý”, Hân bày tỏ.
Trẻ trung, nhiều niềm vui
Không chỉ thể hiện các tiết mục văn hóa truyền thống, sinh viên hai nước cũng mang đến những bài hát, điệu nhảy trẻ trung, sôi nổi.
Về phía những người bạn xứ Hàn, các bạn có sự kết hợp khéo léo giữa truyền thống với hiện đại. Thay vì trình diễn Taekwondo như thông thường, các bạn trẻ sáng tạo, thực hiện các thế võ trên nền nhạc K-Pop sôi động; hay những ca khúc acoustic đều là những ca khúc được giới trẻ hai nước yêu thích, khiến cả hội trường sôi động hẳn lên.
Hòa giọng vào bài hát tiếng Hàn, Đặng Thị Bạch Kim (sinh viên năm 3 ngành Công tác Xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn) “bật mí”: “Dù không giỏi tiếng Hàn nhưng chúng tôi có thể nghe và hát theo các tiết mục trong chương trình, vì đó là những ca khúc nổi tiếng. Khi đồng thanh hát, chúng tôi như gần gũi hơn. Đổi lại, khi các sinh viên Việt Nam trình diễn, các bạn người Hàn nhiệt tình cổ vũ và không ngớt khen ngợi”.
Với sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, việc có cơ hội hiểu thêm về văn hóa nước bạn, mở rộng vòng tròn bạn bè ra nước ngoài, trò chuyện với những người đồng trang lứa, cùng sở thích… đã mang lại nhiều niềm vui.
K’pa H’Khuyên (sinh viên năm 3 ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Quy Nhơn) là một trong những bạn trẻ tham gia chương trình giao lưu với Trường ĐH Quốc gia Jeonbuk. H’Khuyên chia sẻ, nguyên nhân chính để cô bạn dành thời gian tập luyện, trình diễn các tiết mục văn nghệ là vì sức hút từ những người bạn xứ sở kim chi.
“Dù cùng lứa tuổi nhưng sinh viên nước bạn có phần năng động hơn, tự tin thể hiện cá tính, sở thích, đam mê với những bộ môn nghệ thuật như hát, vũ đạo hay chơi nhạc cụ. Họ không “chơi cho vui” mà còn đầu tư vào khâu chuẩn bị lẫn sắp đặt sân khấu. Họ rất hòa đồng và chịu khó lắng nghe, trao đổi. Tôi học được nhiều điều hay ở họ”, H’Khuyên nói.
DƯƠNG LINH