Tạo giống lúa gạo màu đặc sản “made in Binh Dinh”: Mở hướng đi mới cho nông nghiệp bền vững
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) đã nghiên cứu, sản xuất thành công một số giống lúa gạo màu phát triển tại Bình Định canh tác theo hướng hữu cơ, có nhiều ưu điểm: Sinh trưởng nhanh, kháng sâu bệnh mạnh, canh tác 2 vụ/năm, giàu dinh dưỡng, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương cao.
Kết hợp giữa phương pháp lai đơn truyền thống và công nghệ chọn dòng phả hệ hiện đại, ASISOV đã tạo ra 5 giống lúa gạo màu triển vọng đặc biệt phù hợp với điều kiện của tỉnh Bình Định, gồm: BD.1, BD.2, BD.3, BD.4, BD.5. Điểm nổi trội của các giống lúa gạo màu này là khả năng thích nghi cao với điều kiện của địa phương và không phản ứng với ánh sáng. Đặc tính này cho phép cây ra hoa độc lập với độ dài ngày, tạo điều kiện canh tác linh hoạt quanh năm. Chu kỳ sinh trưởng trung bình từ 90 - 120 ngày tùy vào giống, mùa vụ, giúp rút ngắn thời gian canh tác so với nhiều giống truyền thống. Năng suất dao động từ 40 - 55 tạ/ha. Ngoài màu sắc đa dạng tạo nên sự hấp dẫn về mặt thị giác, các giống lúa gạo mới còn được đánh giá cao về hàm lượng dinh dưỡng.
Th.S Phạm Văn Nhân, Phó trưởng phòng Bộ môn Cây lương thực của ASISOV, cho biết, các giống lúa gạo màu mới trên được kế thừa và phát triển từ những dòng thuần lúa màu cải tiến do ASISOV chọn tạo, sau đó đem trồng thí điểm tại phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) và xã Ân Tín (huyện Hoài Ân), áp dụng quy trình canh tác hữu cơ theo Tiêu chuẩn TCVN 11041-5:2018. Khi kết hợp ưu điểm của giống lúa gạo màu với quy trình canh tác hữu cơ giúp tạo ra chất lượng sản phẩm vượt trội. Gạo màu vốn đã có hàm lượng dinh dưỡng cao, khi được canh tác theo phương pháp hữu cơ giúp tạo ra sản phẩm không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các giống lúa mới này được chọn tạo để thích nghi với điều kiện của Bình Định, khi kết hợp với canh tác hữu cơ giúp bảo vệ môi trường, duy trì độ phì nhiêu của đất và tạo ra một hệ sinh thái sản xuất bền vững.
Các giống gạo màu mới được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với gạo trắng thông thường. Gạo màu nói chung thường có tỷ lệ chất chống ôxy hóa, vitamin và khoáng chất cao hơn gạo trắng khá nhiều. Các sắc tố tạo màu trong gạo thường có tác dụng chống ôxy hóa mạnh, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do. Gạo màu thường có hàm lượng chất xơ cao hơn gạo trắng, có lợi cho hệ tiêu hóa. Hơn nữa nhiều loại gạo màu có chỉ số đường huyết thấp hơn gạo trắng, phù hợp cho người cần kiểm soát đường huyết. Khi được canh tác theo phương pháp hữu cơ, các giống gạo màu này có thể giữ được tối đa giá trị dinh dưỡng tự nhiên.
Th.S Phạm Văn Nhân kiểm tra mô hình canh tác giống lúa gạo màu hữu cơ trồng tại xã Ân Tín, huyện Hoài Ân. Ảnh: H.G
Mặc dù năng suất của các giống lúa gạo màu mới trên có thể không cao bằng năng suất của các giống lúa thông thường, nhưng với năng suất trung bình đạt từ 40 - 55 tạ/ha trong điều kiện thâm canh, so với năng suất trung bình của tỉnh (65 tạ/ha), mức này thấp hơn nhưng vẫn được coi là khá cao trong nhóm giống lúa gạo màu hiện có. Ngoài ra, với thời gian sinh trưởng ngắn, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, cho phép nông dân thu hoạch sớm và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Tại Bình Định, giống lúa gạo màu đã được canh tác từ lâu, song chủ yếu trồng trên chân đất lúa rẫy ở các vùng trung du miền núi theo phương thức truyền thống, với quy mô nhỏ chủ yếu cung cấp lương thực cho hộ gia đình. Các giống lúa gạo màu này đã được người dân địa phương lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, do không được bảo quản, chọn lọc nghiêm ngặt, chúng dần thoái hóa, năng suất thấp, phẩm cấp sụt giảm nhiều. Đặc biệt, các giống này có tính cảm quang nên chỉ canh tác được một vụ trong năm.
Việc canh tác lúa hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ tại Bình Định dù đã được quan tâm, song đến nay mới chỉ có HTX Nông nghiệp Ân Tín thành công trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ trên diện tích 2,7 ha. Việc ASISOV nghiên cứu phát triển các giống lúa gạo màu mới góp phần quan trọng trong việc phát huy và bảo tồn giống gạo màu, không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện giống, khôi phục giá trị truyền thống mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, giàu dinh dưỡng của thị trường, tạo cơ hội xuất khẩu cho nông sản địa phương. Hơn hết, nỗ lực này còn giúp cải thiện thu nhập cho nông dân, tạo sinh kế bền vững, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Theo ThS Phạm Văn Nhân, ASISOV đang có kế hoạch xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo màu hữu cơ của tỉnh Bình Định”. Đây là bước đi chiến lược, không những giúp tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản mà còn góp phần quảng bá hình ảnh nông nghiệp bền vững của Bình Định, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường.
HƯƠNG GIANG