Uống nước nhớ nguồn
Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024), Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động bày tỏ lòng thành kính, biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Đồng loạt hưởng ứng
Từ đầu tháng 7, Tỉnh đoàn đã ban hành kế hoạch tổ chức các chương trình tri ân theo từng tuần. Cụ thể, tuần 1 (từ ngày 1 - 6.7), các cấp bộ đoàn, hội tập trung sinh hoạt, tuyên truyền các hoạt động tri ân, kèm hashtag trên mạng xã hội. Tuần 2 (từ ngày 7 - 14.7) tổ chức gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, tổ chức hành trình đến với địa chỉ đỏ. Tuần 3 (từ ngày 14 - 21.7) ĐVTN hỗ trợ ngày công xây sửa nhà tình nghĩa, các công trình dân sinh cho gia đình chính sách; tặng công trình thanh niên, số hóa địa chỉ đỏ. Tuần 4 (từ ngày 21 - 28.7) thăm, tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, cựu TNXP… và thắp nến tri ân tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm vào lúc 19 giờ ngày 26.7.
Tỉnh đoàn tổ chức hoạt động “Bữa cơm cùng Mẹ Việt Nam anh hùng” và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Sương (88 tuổi, ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát), ngày 23.7. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Anh Lý Anh Việt, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Việc đưa ra lộ trình cụ thể giúp các cấp đoàn toàn tỉnh triển khai hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa; đồng thời có thời gian rà soát, thực hiện các chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương. Cách làm này còn tạo hiệu ứng lan tỏa tốt hơn trong cộng đồng, khẳng định rằng thế hệ trẻ ngày nay luôn cố gắng, thể hiện lòng thành kính, biết ơn bằng nhiều cách thức khác nhau”.
Ở cơ sở, nhiều cách làm hay được triển khai và nhân rộng. Phong trào “Mỗi phường, xã một Vườn cây tri ân” do Thị đoàn Hoài Nhơn phát động đã triển khai ở 17/17 phường, xã trên địa bàn thị xã. Theo đó, từ đầu tháng 7 đến nay, ĐVTN đã rà soát, trồng và tặng nhiều loại cây như mít Thái, bưởi da xanh, dừa… tại vườn nhà của các gia đình chính sách.
Mỗi đoàn phường, xã hằng năm trồng mới ít nhất một “Vườn cây tri ân” và chăm sóc vườn phát triển tốt trong 3 năm; thăm, tặng quà cho gia đình đã nhận vườn cây.
“Vườn cây tri ân vừa mang ý nghĩa kỷ niệm, mang lại niềm vui; vừa là sợi dây kết nối giữa tổ chức đoàn với các gia đình chính sách. Do vậy, ĐVTN sẽ lắng nghe mong muốn của gia đình để chọn ra loại cây dễ trồng, chăm sóc và gửi tặng”, anh Phạm Ngọc Hoan, Phó Bí thư Thị đoàn Hoài Nhơn, thông tin thêm.
Xúc động, đầm ấm
Nhờ chuẩn bị chu đáo, các hoạt động tri ân năm nay để lại nhiều xúc cảm cho gia đình chính sách, các mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong 2 ngày 23 - 24.7, Tỉnh đoàn tổ chức đến thăm, nấu mâm cơm tri ân tại 4 gia đình liệt sĩ ở TX Hoài Nhơn và các huyện Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh; lần đầu trao tặng 16 di ảnh liệt sĩ được phục chế.
Tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Từ Thị Nghiệm (SN 1933, ở phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn), ĐVTN có mặt từ sớm, người xắn tay áo nấu mâm cơm giản dị nhưng đủ đầy, người thì quây quần trò chuyện và lắng nghe những kỷ niệm sống mãi trong ký ức của mẹ: Chồng mẹ là liệt sĩ Nguyễn Sơn Châu (SN 1930), tham gia cách mạng năm 1963, đến năm 1971 thì hy sinh. Hai năm sau, con cả của mẹ là Nguyễn Đốc Tơ (SN 1952) nối bước cha, và cũng anh dũng nằm xuống vì độc lập dân tộc… Tiếng thủ thỉ, chuyện trò làm ngôi nhà nhỏ và lòng mẹ thêm ấm áp.
Nỗi xúc động còn đến từ những gia đình nhận di ảnh người thân đã qua phục chế vào dịp đặc biệt. Cầm trên tay 3 bức hình rõ nét của cha, mẹ và chị gái, ông Mai Xuân Bình (SN 1957, ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) run run chia sẻ, cha của ông là liệt sĩ Mai Xuân Ẩn (SN 1932, y tá xã), chị là liệt sĩ Mai Thị Sang (SN 1950, nhân viên bệnh xá huyện). Cả hai đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ ông là Phan Thị Mạn (SN 1932), được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng từ năm 2014.
Tỉnh đoàn tặng di ảnh đã được phục chế cho gia đình liệt sĩ Phan Thanh Châu ở xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn). Ảnh: Tỉnh đoàn
“Nhìn di ảnh rõ từng đường nét khuôn mặt của cha mẹ và chị gái, tôi như thấy họ đang kề bên mình. Điều này an ủi những người ở lại như tôi và giúp con cháu “biết mặt”, nhớ ơn thế hệ trước trong gia đình”, ông Bình tâm sự.
Để những tấm ảnh rõ nét trên đến tận tay thân nhân liệt sĩ, bạn Lê Văn Trung (sinh viên năm 4, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TP Hồ Chí Minh; quê ở TP Quy Nhơn) đã đề xuất với Đoàn trường; cùng những người bạn thu thập thông tin và ảnh từ người thân liệt sĩ; dựa trên một số điểm cơ bản để phục dựng. Sau đó, nhóm đóng khung ảnh, gửi kèm bản tiểu sử và những chiến công của liệt sĩ cho gia đình.
“Tuy có những khó khăn nhất định, nhưng cả nhóm cảm thấy tự hào khi có thể phục hồi di ảnh cho các anh hùng liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng. Với cá nhân tôi, là người con Bình Định, tôi rất vui khi có thể ứng dụng thế mạnh của mình, cùng các bạn trẻ quê nhà thể hiện lòng biết ơn với những người đã ngã xuống vì hòa bình hôm nay”, Trung bày tỏ.
DƯƠNG LINH