Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Những dấu ấn trong lòng dân
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cơ sở với những chỉ đạo, gợi mở giúp địa phương phát triển bền vững, đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc.
Sứ mệnh của Hải Phòng đối với cả nước
Hải Phòng là một trong những địa phương vinh dự được nhiều lần đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc. Người Hải Phòng vẫn khắc sâu hình ảnh Tổng Bí thư, nhà lãnh đạo sắc sảo, trí tuệ và tầm nhìn sâu rộng, đã có những chỉ đạo, gợi mở để thành phố tiếp tục phát huy truyền thống "trung dũng, quyết thắng", khát vọng vươn lên khẳng định vị thế, sứ mệnh của địa phương đối với vùng và cả nước.
Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 5.8.2003 của Bộ Chính trị Khóa IX về xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (tháng 12.2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hải Phòng không phải là riêng của Hải Phòng, là của cả vùng, cả đất nước. Do đó, trách nhiệm của Trung ương là phải hỗ trợ, tiếp sức cho Hải Phòng, đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của thành phố, để địa phương phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong những năm tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, thời gian qua, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vận động nhân dân tiếp tục được đổi mới, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Còn Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chia sẻ, thành phố xác định cần có những hoạch định mang tính chiến lược, dài hạn, đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Trước hết, Hải Phòng tập trung phát huy sức mạnh nội tại sẵn có của ngành công nghiệp thành phố, bằng việc nghiên cứu thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; đồng thời tiếp tục phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và thu hút xây dựng toàn bộ các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Cùng đó, thành phố đi sâu phát triển theo ba mũi đột phá chiến lược là: Cảng biển và dịch vụ logistics, chuyển đổi số, xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn.
Trong nửa đầu năm 2024, Hải Phòng giữ vững vị trí thứ 5 cả nước, thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 10,32% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 75,7 triệu tấn (tăng 9,03% so với cùng kỳ năm 2023). Số lượng khách du lịch đến thành phố đạt trên 4.270.000 lượt. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Hải Phòng đạt trên 1.551 triệu USD, đạt 77,58% kế hoạch năm.
Trồng rừng phát triển kinh tế
Ông Hoàng Anh Thắm, Chủ tịch UBND xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vẫn nhớ như in vào sáng 10.2.2019 (mồng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), Tổng Bí thư đã tham dự "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" cấp quốc gia với người dân thôn 6, xã Việt Cường. Tổng Bí thư đề nghị, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; đồng thời, có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép, tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững, góp phần nâng cao giá trị kinh tế rừng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển vững chắc.
Ông Hoàng Anh Thắm chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần gũi, đến thăm hỏi, trò chuyện và cùng người dân đào hố đất, đặt cây trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc... Mỗi người dân nơi đây sẽ luôn gìn giữ, bảo vệ và nhớ về đồi cây của Tổng Bí thư đã trồng trên mảnh đất Yên Bái. Đó chính là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo môi trường sinh thái nhằm xây dựng tỉnh phát triển theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, tiếp nối những mùa xuân xanh cùng đất nước.
Đến nay, phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tích cực hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới trên 15.000 ha rừng các loại, diện tích đất có rừng đạt gần 470.000 ha, độ che phủ rừng của tỉnh ổn định đạt 63% (là tỉnh có độ che phủ rừng cao thứ tư cả nước).
Nguồn: BTV
Động viên nhân dân xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Công Triệu (86 tuổi, 64 năm tuổi Đảng) hội viên Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nhớ lại, ngày 21.1.2014, ông cùng nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã vinh dự được gặp, trò chuyện nhân chuyến thăm, làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với địa phương. Dù thời gian gặp gỡ, trò chuyện không lâu nhưng những ấn tượng sâu sắc về một vị lãnh đạo giản dị, gần gũi, thân tình vẫn luôn in đậm trong tâm trí ông.
Ông Đào Văn Sỹ (84 tuổi, 57 năm tuổi Đảng), nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thụy Văn cũng là người vinh dự được gặp và phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Bí thư. Ông vẫn nhớ, phát biểu với người dân, Tổng Bí thư đánh giá cao địa phương phát huy được truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, đặc biệt là tinh thần tự lực tự cường, phát huy nội lực, chủ động xây dựng nông thôn mới; đã phát động được phong trào quần chúng sâu rộng, vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng và mong muốn, Thụy Văn ngày càng phát triển, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa...
Ông Vũ Hữu Tiếp, Chủ tịch UBND xã Thụy Văn cho biết, sự ghi nhận, động viên và kỳ vọng của Tổng Bí thư đã trở thành động lực thôi thúc cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây ra sức thi đua, gặt hái được nhiều thắng lợi trong những năm qua. Đảng bộ và nhân dân địa phương xã Thụy Văn quyết tâm phấn đấu sớm về đích nông thôn mới nâng cao và đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người/năm vào năm 2025 như Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra.
Bồi đắp vững chắc niềm tin của người dân
Những lời căn dặn, động viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 10 năm đối với chính quyền, nhân dân xã Võ Miếu vẫn còn nguyên giá trị và là động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ông Đỗ Xuân Thủy, Bí thư chi bộ khu Bần 1, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ, năm 2014, sau khi Tổng Bí thư về thăm, xã Võ Miếu được Đảng và Nhà nước đầu tư cho con đường từ đầu xã Thục Luyện đến hết xã Võ Miếu. Ngày con đường hoàn thành đưa vào sử dụng, đó cũng là ngày hội của bà con trong xã, ai cũng vui, phấn khởi và gọi con đường này là “con đường bác Trọng”. Nhờ con đường đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống người dân không chỉ ở Thục Luyện, Võ Miếu mà còn góp phần làm thay đổi, tạo sức bật mạnh mẽ cho đời sống, kinh tế người dân nơi tuyến đường đi qua và các xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Thanh Sơn như: Khả Cửu, Đông Cửu, Thượng Cửu...
Võ Miếu hôm nay đã thay da đổi thịt, nhịp sống mới ở vùng đất nông thôn miền núi đã khởi sắc nhờ sự những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 10 năm trước. Võ Miếu đã đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm của đội ngũ lãnh đạo xã và sự bắt nhịp kịp thời của người dân theo nhu cầu thị trường, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự được giữ vững, tạo nền tảng vững chắc để Võ Miếu vươn lên phát triển bền vững, sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình.
(Theo TTXVN)