Thương binh Nguyễn Thị Minh Tâm: Biến nỗi đau riêng thành tình thương vô hạn…
Mang trong mình nỗi đau và mất mát sau chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1954, quê ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ; đang sống tại phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, hiện là Chi hội trưởng Chi hội cựu tù chính trị cách mạng 4, phường Lê Lợi) bắt đầu hành trình trao yêu thương và trở thành nơi nương tựa cho nhiều trẻ em thiếu thốn, bất hạnh.
Đau thương và mất mát
Tham gia cách mạng khi vừa tròn 12 tuổi, với gần 10 năm trải qua bom đạn chiến tranh, thương binh Nguyễn Thị Minh Tâm thấm thía những khổ đau, mất mát. Quá khứ đầy gian khó càng giúp bà vững tin, quyết tâm cố gắng xây đắp cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa.
Bà Tâm (giữa) và các đồng đội. Ảnh: NVCC
● Hiện nay, các em nhỏ ở tuổi 12 vẫn rất ngây thơ, non nớt. Có phải trong bom đạn chiến tranh, mọi người đều “già trước tuổi”, trưởng thành sớm hơn rất nhiều...
- Tôi nghĩ thời nào cũng vậy, ngây thơ, hồn nhiên là đặc quyền của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trong thời chiến, ngoài hồn nhiên chúng tôi còn biết sợ, biết run rẩy trước cảnh hoang tàn, khói lửa.
Tôi sinh ra trên quê hương và trong gia đình có truyền thống cách mạng. Những ngày chiến tranh tàn khốc như sống với tử thần, chúng tôi đau đáu mơ ước hình ảnh một ngày quê hương, đất nước được bình yên. Năm đó, tôi được phân công làm bảo mẫu cho một gia đình ở TP Quy Nhơn, những lúc ẵm bé đi dạo, tôi sẽ chuyển thư, tín hiệu theo chỉ đạo.
● Vậy những ngày tháng tại quê nhà, bà tham gia những nhiệm vụ gì?
- Lúc đó chiến tranh rất ác liệt, sự sống và cái chết chỉ mảy may trong gang tấc. Tại chiến trường Phù Mỹ, tôi vẫn làm nhiệm vụ trinh sát, sau đó xung phong làm nhiệm vụ trực tiếp trong lòng địch. Năm 1970, trong lúc làm nhiệm vụ trinh sát, tôi bị địch bắt và giam cầm trong hơn 1 năm ròng rã tại huyện Phù Mỹ và TP Quy Nhơn.
Năm 1971, tôi được thả vì còn nhỏ tuổi, lời khai thống nhất và họ cũng không có bằng chứng gì để kết tội. Tuy nhiên, một lần làm nhiệm vụ cùng đồng đội và cũng là cô bạn thân từ nhỏ, tôi đau xé lòng khi phải chứng kiến bạn ấy hy sinh trước mắt mình. Và trong lần ấy, tôi bị thương và mãi mãi mất đi thiên chức làm mẹ.
● Xin chia sẻ với nỗi đau của bà! Thưa bà, sau tất cả, nhìn lại quãng đời đã qua, bà có nhắn gửi gì với lớp trẻ hiện nay...
- Kể lại một số câu chuyện vừa rồi, tôi không có ý khơi gợi lại nỗi đau mà chỉ mong muốn lớp trẻ phần nào hiểu được những gian khó, mất mát, phải đánh đổi bằng xương máu mới giành lại được hòa bình, tự do. Mong rằng các em, các cháu cố gắng học tập, chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Còn đối với tôi, dù hiện tại cuộc sống tốt hơn rất nhiều, nhưng ký ức về thời bom đạn vẫn in hằn, nhắc nhở tôi cố gắng sống ý nghĩa, sống với lòng biết ơn và với ý niệm cống hiến, sẻ chia.
Điểm tựa cho trẻ thiệt thòi
Tháng 10.1975, bà Nguyễn Thị Minh Tâm bắt đầu làm việc trong ngành đường sắt ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Với năng lực xuất sắc, bà được mời chia sẻ tại nhiều buổi trao đổi kinh nghiệm của ngành đường sắt trên toàn quốc.
Năm 1994, bà xin nghỉ việc, về lại TP Quy Nhơn để chăm sóc mẹ già yếu. Với nhiệt huyết của người lính, bà cố gắng vừa kinh doanh vừa cân đối thời gian để chăm sóc mẹ. Bà từng kết hôn, nhưng không thể làm mẹ do di chứng của chiến tranh. Hạnh phúc gia đình đứt đoạn, bà bắt đầu bén duyên với việc giúp đỡ, hỗ trợ các bạn nhỏ thiệt thòi, khó khăn.
● Được biết bà đã giúp đỡ nhiều em nhỏ khiếm khuyết về mặt trí tuệ hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Cơ duyên nào giúp bà kết nối với các bạn ấy, thưa bà?
- Trong thẳm sâu tâm thức mỗi người phụ nữ đều mong muốn được làm mẹ, tôi cũng vậy. Lúc còn làm việc tại TP Nha Trang, tôi đã nhận chăm sóc một bé gái khi cháu vừa tròn 2 tháng tuổi. Đến năm 10 tuổi, cha mẹ bé mong muốn nhận lại con nên tôi đành xa bé. Bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh bé thuở nhỏ, xinh xắn, rất đáng yêu.
Năm 1989, bà Nguyễn Thị Minh Tâm được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng ba. Năm 2000, bà được Chính phủ tặng Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đầy. Ngoài ra, năm 2012, bà còn được Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) tặng Kỷ niệm chương vì đã có nhiều cống hiến xây dựng ngành tình báo quốc phòng.
Sau đó, khoảng năm 2003, tôi bén duyên với Quyên (Phạm Thị Bích Quyên, năm nay 37 tuổi, quê ở huyện Phù Mỹ). Do di chứng của chiến tranh, Quyên bị khiếm khuyết trí tuệ, suy dinh dưỡng và nhiều bệnh khác nữa. Cha mẹ Quyên mong tôi giúp đỡ, nuôi dạy, cho cháu có cuộc sống tốt hơn.
Thương hoàn cảnh Quyên, tôi đã nhận lời và bắt đầu hành trình chăm sóc, dạy dỗ cháu. Tôi tìm thầy thuốc cho Quyên, tập cháu nói rõ lời, tự phục vụ bản thân và viết chữ. Đến nay nhiều người đùa vui rằng Quyên dưới bàn tay chăm sóc của cô Hai (bà Tâm - PV) đã hoàn toàn “lột xác” (cười)!
● Ngoài chị Quyên là người gắn bó với bà lâu dài, bà có thể kể thêm một số trường hợp khác...
- Tôi có duyên được giúp đỡ, hỗ trợ nhiều cháu. Ngày trước, có một cháu ở xã Cát Sơn (huyện Phù Cát) đang học lớp 10 nhưng gia đình khó khăn phải nghỉ học. Cháu tìm đến nương nhờ và mong tôi giúp đỡ về việc làm. Tôi đưa cháu đi học may, khi có nghề trong tay cháu về quê làm việc, cưới chồng và sinh con. Hiện cháu đã có gia đình với 4 con thơ chăm ngoan, học giỏi. Thi thoảng cháu đưa các con đến thăm tôi, chúng tôi quan tâm nhau như người nhà.
Mỗi chuyến đi của bà Tâm đều có mặt chị Quyên. Ảnh: NVCC
Ngoài ra, tôi còn nuôi Nguyễn Hạnh Thảo, cháu vừa học xong lớp 6 tại Trường Khuyết tật Vi Nhân ở tỉnh Đắk Lắk. Lúc tôi gặp Thảo, cháu thường lang thang, bơ vơ ngoài bãi biển, gia cảnh rất đáng thương. Lúc đó tôi vừa chăm sóc mẹ đau nặng vừa nuôi dạy Quyên nên không còn thời gian nhiều cho Thảo. Tuy vậy, tôi dặn lòng không thể để Thảo quay lại cuộc sống cũ và bắt đầu hành trình tìm nơi ở, trường học cho cháu.
Ban đầu, tôi gửi Thảo vào một ngôi chùa nhỏ ở huyện Phù Cát, chi phí ăn học do tôi chu cấp. Nhưng đến hết học kỳ 1 của lớp 2, vì một số lý do riêng, Thảo không thể sống ở chùa nữa, tôi phải xoay xở tìm nhà người quen gần đó để gửi cháu. Sau khi hoàn thành năm học, tôi đưa cháu về nhà và tiếp tục hành trình tìm trường.
Tôi định đăng ký cho cháu học ở một trường tiểu học nhưng không thành, một phần do gia đình cháu có nhiều người mắc bệnh tâm thần. May mắn có người mách bảo, tôi tìm đến các nữ tu ở Nhà thờ Giáo xứ Chánh Tòa Quy Nhơn nhờ giúp đỡ, vì gia đình cháu cũng theo Công giáo. Sau đó, Thảo được đưa đến học nội trú ở Đắk Lắk, hành trình tìm trường của 2 bà cháu đã thành công. Nghỉ hè hay dịp tết Nguyên đán, cháu Thảo lại về nhà, quây quần với “bà Hai” và chị Quyên.
● Với những việc ý nghĩa đã làm cùng nhiều tình cảm đã trao đi, thời gian tới bà mong muốn điều gì?
- Nhiều người tỏ ra khó hiểu với những việc tôi đã làm nhưng đó lại là điều giúp tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày. Tôi không có duyên làm mẹ nhưng lại có nhiều con, nhiều cháu. Mong rằng các con, các cháu khỏe mạnh, bình an và có lòng trắc ẩn. Từ đó có thể giang tay giúp đỡ lại những người yếu thế hơn mình, dù là những việc nhỏ nhất.
● Xin chân thành cảm ơn bà!
THẢO KHUY (Thực hiện)