“Kể chuyện” môi trường, giáo dục bằng con rối
Gây ấn tượng với giải nhất chương trình “Tìm kiếm ý tưởng vì một đại dương không nhựa” do UNESCO tổ chức năm 2021, nhóm Làng Chài Bình Yên gồm các bạn trẻ quan tâm về môi trường đã tích cực truyền tải các thông điệp về môi trường, giáo dục đến người trẻ thông qua bộ môn múa rối.
Làng Chài Bình Yên gồm 4 thành viên, 2 trong số đó là người Bình Định. Anh Lê Minh Bộ (SN 1992, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), người đưa ra ý tưởng thành lập nhóm “bật mí”, năm 2020, khi anh ghé thăm xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), chứng kiến ngư dân đánh bắt tôm hùm nhưng lại vô tình vớt được khá nhiều rác dưới biển, anh đã nghĩ đến việc cùng những người bạn quan tâm đến môi trường, tạo nên dụng cụ có chức năng lọc rác.
Cứ thế, Làng Chài Bình Yên ra đời và nghiên cứu, tạo nên chiếc bẫy gom rác thải nhựa dựa vào sóng, gió và dòng hải lưu làm bằng ngư cụ đã qua sử dụng; kết hợp với mô hình trải nghiệm nhặt rác, lặn ngắm san hô. Ý tưởng này được nhóm lấy cảm hứng từ nghề lưới đăng truyền thống của ngư dân Nhơn Lý và xuất sắc giành giải nhất chương trình “Tìm kiếm ý tưởng vì một đại dương không nhựa” do UNESCO tổ chức năm 2021.
Không dừng lại ở đó, nhóm tiếp tục tham gia nhiều chương trình về môi trường, như: Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2023 (do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức); Cuộc thi Thanh niên sáng tạo vì khí hậu năm 2021 (do Bộ TN&MT, Trung ương Đoàn phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ tổ chức)… nhằm tìm ý tưởng để truyền thông về môi trường một cách hiệu quả.
Anh Bộ cho biết: Trong quá trình ấy, nhóm tiếp cận với chương trình “Việt Nam hí kịch” do Viện Goethe tổ chức và biết đến những loại hình múa rối như rối bóng, rối tay, rối nhập vai cùng tư duy làm rối, ứng dụng của rối trong thực tế. Tuy nhiên, năm 2021 - 2022, Covid-19 đã làm trì hoãn nhiều kế hoạch. Phải đến năm 2023, nhóm mới có thể giới thiệu loại hình này tại TP Quy Nhơn.
Theo đó, nhóm đã tổ chức nhiều buổi workshop về ứng dụng múa rối trong giáo dục tại Vườn tái chế NNC (xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) với sự tham gia của các thành viên Chi hội Khuyết tật Nguyễn Nga, sinh viên khoa Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Quy Nhơn), sinh viên chuyên ngành Quản lý chất thải (Trường ĐH Ghent, HoGhent, Vương quốc Bỉ); tham gia chương trình Green day in Binh Dinh năm 2023, 2024 do nhóm Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững (thuộc Viện nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE), Trung tâm ICISE) tổ chức; gặp gỡ, giao lưu với các hội, nhóm về môi trường.
Tại các chương trình, nhóm thể hiện nhiều tiết mục múa rối nhập vai và hướng dẫn người tham gia hóa thân, tạo nên những con rối từ nhiều vật liệu tái chế như giấy, hộp gỗ, lưới, phao, dép nhựa… với nhiều màu sắc, hình dáng bắt mắt, có thể di chuyển sinh động, gây ấn tượng với người xem, nhất là với các bạn nhỏ.
Chăm chú xem và xung phong hóa thân thành chú dê nhỏ trong tiết mục kể chuyện ngụ ngôn bằng rối, em Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 2013, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) chia sẻ: Trải nghiệm đóng vai một nhân vật mang lại cảm giác thú vị, thu hút. Ngoài kể chuyện, em rất háo hức được tự tay làm những con rối cho riêng mình từ những chất liệu quen thuộc. Như vậy, em vừa tận dụng giấy, bìa mi-ca cũ; vừa tạo nên đồ chơi mới cho riêng mình.
Ngoài ra, Làng Chài Bình Yên mới ra mắt CLB Sân khấu ứng dụng Quy Nhơn Cá Voi Xanh vào ngày 28.7 với 7 thành viên, tạo sân chơi mới mẻ, bổ ích cho người trẻ, góp phần lan tỏa tính ứng dụng của múa rối trong môi trường, giáo dục.
Bạn Nguyễn Thị Mơ (SN 2001, ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát; thành viên CLB) “bật mí”: Là giáo viên mầm non, tôi nhận thấy khi cầm trên tay con rối, trẻ sẽ dùng vốn ngôn ngữ hằng ngày để hóa thân vào đó, thay vì bám vào kịch bản. Thông qua người bạn tưởng tượng này, trẻ thể hiện cá tính, sức sáng tạo, kỹ năng ghi nhớ và rèn luyện sự tự tin khi nói trước đám đông. Hơn nữa, những bài học về lối sống xanh cũng sẽ được truyền tải cụ thể, dễ nhớ đến trẻ.
DƯƠNG LINH