Nghề làm gốm ở An Nhơn
Nghề làm gốm ở An Nhơn có lịch sử lâu đời. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân, hiện nay có thêm những loại sản phẩm mới, đang được sản xuất nhiều hơn để phục vụ nhu cầu người dân.
Quy trình làm ra sản phẩm qua nhiều công đoạn nhưng chủ yếu bằng tay. Đất sét được chọn lựa kỹ lưỡng, cho vào máy trộn để nhào cho nhuyễn, tạo độ dẻo dai cho nguyên liệu. Tiếp đó, người thợ dùng bàn xoay cùng với đôi tay khéo léo tạo hình sản phẩm rồi đem phơi dưới nắng, sau đó nung ở nhiệt độ cao.
Các sản phẩm gốm được sản xuất nhiều là bình, lò, chậu, chum có giá từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng tùy từng sản phẩm. Nhìn tuy đơn giản nhưng để tạo hình được đều, đẹp, đạt chất lượng tốt thì cần sự kết hợp của kinh nghiệm và lòng yêu nghề, gắn bó với nghề truyền thống của người thợ.
Do nhu cầu thị trường và sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp nên số lượng và hộ sản xuất đã giảm đi nhiều. Tuy vậy, với truyền thống lâu đời, nghề gốm vẫn được người dân xã Nhơn Hậu duy trì. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành như: Gia Lai, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Hiện nay, các sản phẩm gốm mang tính nghệ thuật cao như hoa gốm tròn, chỉ gốm ốp tường phục vụ trong ngành xây dựng hay để trang trí tại các quán cà phê, resort, nhà hàng được đặt sản xuất ngày càng nhiều hơn.
Những sản phẩm mới đang được thị trường tiếp nhận là minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa nghề truyền thống và đời sống hiện đại. Điều này sẽ làm phong phú, đa dạng hơn các mặt hàng sản phẩm gốm, góp phần tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.
Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm gốm ở An Nhơn không còn hưng thịnh như xưa nhưng với sự yêu nghề, những người thợ làm gốm vẫn đang bền bỉ, sáng tạo để gìn giữ một trong những nét văn hóa lâu đời ở vùng đất này.
PHAN TUẤN (thực hiện)