Làm gì khi học sinh thờ ơ với truyền thống?
Thanh thiếu niên nói chung, học sinh nói riêng ngày càng thờ ơ với truyền thống dân tộc. Lối sống nhanh, sống gấp của giới trẻ; sức ảnh hưởng của công nghệ và truyền thông; hoạt động tuyên truyền mang tính hình thức và sự xơ cứng… được xem là những nguyên nhân chính. Bài toán đặt ra là làm sao thu hút đông đảo sự quan tâm của giới trẻ với truyền thống dân tộc.
Thực trạng đáng báo động
Trong các cuộc trò chuyện với học sinh khi tham quan Bảo tàng Quang Trung và các di tích lịch sử ở Bình Định, có một vấn đề đáng chú ý là rất ít học sinh hiểu rõ về sự kiện, thông tin về cội nguồn văn hóa và giá trị truyền thống của dân tộc.
Hoạt động nói chuyện truyền thống do Huyện đoàn Hoài Ân tổ chức tại khu di tích lịch sử Núi Chéo (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân). Ảnh: C.HIẾU
Lướt xem mạng xã hội, chúng ta nhận thấy đa số các em biết nhiều đến những thú vui giải trí thời thượng, những nghệ sĩ đình đám trong giới showbiz… hơn là ý thức về cộng đồng, dân tộc và lịch sử đất nước. Một đoạn clip phỏng vấn các em học sinh về mối quan hệ giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ đã nổi tiếng khắp mạng xã hội những năm trước bởi các câu trả lời thiếu kiến thức của các em. Câu trả lời ngây ngô kiểu “Anh em ạ”, “Bố con ạ”, thậm chí là “Bạn thân chiến đấu cùng nhau” khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán, cùng với đó là nỗi trăn trở về lịch sử, những giá trị truyền thống trong tương lai.
Truyền thống lịch sử của dân tộc ta rất đáng tự hào, nhưng đáng tiếc là có một bộ phận học sinh tỏ ra thờ ơ, hờ hững với quá khứ hào hùng đó. Kết quả thi môn Lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là minh chứng rõ ràng nhất. Còn nhớ, trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011, cả nước rúng động khi có đến hàng nghìn bài thi Lịch sử bị điểm 0, đến nay vẫn còn gây không ít nhức nhối khi nhắc lại.
Nói về lễ hội truyền thống, giới trẻ Việt Nam năng động, ưa khám phá nhưng khi được hỏi về những ngày lễ truyền thống, những ngày kỷ niệm của đất nước mình thì… ấp a ấp úng, gãi đầu gãi tai. Trong khi đó, chúng ta lại thấy giới trẻ quay vòng chuẩn bị cho những ngày lễ du nhập từ nước ngoài như Valentine, Cá tháng tư, Phục sinh, Halloween, lễ Tạ ơn… rồi đến cả những “party trắng”, “party độc thân”…
Thế hệ trẻ - lực lượng sẽ gìn giữ và phát huy các sản phẩm tinh hoa truyền thống cũng khá thờ ơ với các làng nghề Việt. Bánh tráng, nem chả, bánh ít lá gai, rượu bàu đá, bún song thằn… là những sản phẩm gần gũi nhưng mang nét rất riêng của Bình Định. Những sản phẩm đã đi vào câu thơ, câu ca dao ngày nào nhưng giờ tôi hỏi một số học sinh thì các em không kể đủ được. Các em cũng thừa nhận không quan tâm đến các nghề truyền thống này.
Đổi mới hoạt động giáo dục truyền thống
May mắn tôi được giảng dạy ở một ngôi trường có bề dày lịch sử, truyền thống với tập thể đội ngũ sư phạm và học sinh nhà trường đoàn kết, vượt khó, chung tay xây dựng một trường học phát triển, thân thiện và tiến bộ hơn. Nhân đây, tôi muốn chia sẻ một số hoạt động của trường tôi nhằm lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống, khuyến khích công tác giáo dục truyền thống dân tộc trong trường học phổ thông.
Trước hết là đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý thức tự tôn, tự hào dân tộc ở học sinh và chủ động tuyên truyền trên mọi mặt trận các vấn đề xã hội, nhất là trên internet, mạng xã hội. Cách làm cụ thể như: Xây dựng tuyến tin, bài về các gương điển hình, đảng viên trẻ tiêu biểu, ĐVTN ưu tú; tổ chức các cuộc thi sáng tác tác phẩm nghệ thuật, tổ chức các hoạt động như sinh hoạt truyền thống kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ngày thành lập Đoàn; tổ chức giao lưu với các CCB ở địa phương; gặp gỡ giao lưu với đơn vị bộ đội và CA kết nghĩa... Tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Gặp gỡ bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Tìm hiểu các di tích lịch sử”… Vận động ĐVTN tham gia chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, trồng hoa cây cảnh, quét vôi mộ, thắp nến tri ân…
Bên cạnh đó là đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học, đặc biệt môn Lịch sử. Cần lồng ghép trò chơi lịch sử vào tiết học như giải mật mã, đoán ý đồng đội, thi trả lời nhanh, thi ghi nhớ lịch sử, giải ô chữ lịch sử, sưu tầm và thuyết minh về những hình ảnh lịch sử, đoán các sự kiện qua một đoạn phim... sẽ giúp học sinh khắc sâu kiến thức. Học tốt Lịch sử sẽ giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về quá khứ, rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho hiện tại. Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc đối với học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước chính là góp phần hình thành bản lĩnh, cốt cách con người Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Mặt khác, nhận định được tầm quan trọng của môn giáo dục địa phương, nhà trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc, giáo viên cũng đã nghiên cứu đưa nội dung lịch sử địa phương thiết thực vào các tiết giảng, tạo ra nhiều bài giảng có chất lượng. Nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản, thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương. Từ đó, trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, có trách nhiệm với cộng đồng, biết trân trọng và phát huy văn hóa truyền thống quê hương, vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Một cách làm hiệu quả khác là thiết kế sổ tay giúp nâng cao nhận thức của học sinh về một số chủ đề. Thiết kế sổ tay tạo cơ hội cho học sinh tự tìm hiểu, nghiên cứu đề tài và biết chắt lọc thông tin một cách ngắn gọn nhất theo chủ đề được yêu cầu. Sổ tay là công cụ hữu ích giúp học sinh lưu trữ thông tin hiệu quả và nhớ lâu.
TRẦN THỊ LẬP (Giáo viên Trường THPT Quang Trung, huyện Tây Sơn)