Máy bó chổi cọng dừa
Giải pháp “máy bó chổi cọng dừa” do em Nguyễn Trần Thi và Huỳnh Lê Ngọc Trâm (học sinh lớp 8A1, Trường THCS Hoài Châu, TX Hoài Nhơn) nghiên cứu, chế tạo đã đạt giải ba ở lĩnh vực Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XI năm 2024. Đây là giải pháp được Hội đồng giám khảo cuộc thi đánh giá cao về tính ứng dụng.
Chia sẻ về lý do nghiên cứu, chế tạo máy bó chổi cọng dừa, em Huỳnh Lê Ngọc Trâm chia sẻ: Nghề bó chổi cọng dừa đã gắn bó từ lâu ở Hoài Châu và hiện có nhiều gia đình, cơ sở làm nghề. Nghề truyền thống này đã, đang giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh một chiếc chổi, phải thao tác thủ công qua nhiều công đoạn, tốn khá nhiều thời gian, năng suất lại không cao. Để nâng cao năng suất, giảm sức người, chúng em đã nảy ý tưởng chế tạo máy bó chổi cọng dừa nhằm giúp người dân có thể vận dụng vào hoạt động làm nghề.
Máy bó chổi cọng dừa có khả năng ứng dụng vào sản xuất. Ảnh: A.N
Dưới sự hỗ trợ của thầy giáo hướng dẫn, sau gần 1 năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, cuối cùng hai em cũng chế tạo thành công. Máy bó chổi cọng dừa khá nhỏ gọn, gồm 2 phần chính: Thiết bị cố định (khung máy, bàn dập bè chổi và các thiết bị điện) và thiết bị vận hành (khung siết chổi, trục nhỏ, trục rulô, bộ phận dập khâu…). Sản phẩm hoàn chỉnh trải qua 4 bước vận hành, với các tính năng “3 trong 1”, đó là siết, bè và cắt bàn chổi. Điểm tích cực là máy không gây tiếng ồn trong quá trình hoạt động.
Thầy Nguyễn Thái Bảo, giáo viên Trường THCS Hoài Châu, cho hay: Đây là giải pháp khá thú vị do chính học sinh thực hiện. Máy bó chổi cọng dừa chưa có trên thị trường. Ngoài nguyên liệu cọng dừa, máy có thể thử nghiệm bó chổi đót… Kết quả chạy vận hành cho thấy, trong 1 giờ máy có thể sản xuất thành phẩm 30 chiếc chổi, cao gấp 2,5 lần so với làm thủ công (1 giờ bó được 10 - 12 cây chổi). Với giá thành khoảng 7,5 triệu đồng/máy, được cho là phù hợp để các gia đình, cơ sở bó chổi ở địa phương đầu tư và sử dụng. Tuy nhiên, để giải pháp hoàn chỉnh hơn cần sự hỗ trợ của ban tổ chức cuộc thi, chính quyền, nhằm phát triển quy mô và hoàn chỉnh một số chức năng của máy, để có thể đưa vào sản xuất theo hướng công nghiệp.
AN NHIÊN