Đưa hàng Việt về miền núi: Thay đổi thói quen mua sắm cho người dân
Trong nhiều năm qua, các phiên chợ đưa hàng Việt Nam về các xã nông thôn, miền núi đã tạo ra những thay đổi tích cực trong thói quen mua sắm của người dân ở các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và Vân Canh. Những hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức về việc sử dụng hàng Việt mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2024, Sở Công Thương đã đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khoảng 520 DN, HTX và cơ sở sản xuất - kinh doanh đã tham gia hoặc gửi sản phẩm đến các phiên chợ ở miền núi. Phiên chợ Đưa hàng Việt về miền núi kết hợp giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của vùng dân tộc thiểu số và miền núi huyện Vĩnh Thạnh, do Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện tổ chức vào ngày 5.8 tại thị trấn Vĩnh Thạnh, đã thu hút hàng nghìn người dân tham quan và mua sắm.
Các sản phẩm bày bán tại phiên chợ rất đa dạng, từ may mặc, thực phẩm thiết yếu, đồ gia dụng đến nông sản. Điểm chung của các mặt hàng này là đều được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và giá bán phù hợp với thị trường. Chị Đinh Thị Huyên, phụ trách gian hàng đặc sản của xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), chia sẻ rằng tất cả sản phẩm mà chị mang đến phiên chợ, đặc biệt là nông sản, đã được bán hết chỉ trong một ngày. Chị cũng nhận được nhiều đơn hàng đặt trước từ khách tham quan.
Tại phiên chợ, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinanutrifood Bình Định, đã bất ngờ trước sự đa dạng và chất lượng của các mặt hàng nông sản tại huyện Vĩnh Thạnh. Bà Hằng cho biết, đang có kế hoạch thu mua những sản phẩm này để chế biến và phục vụ người tiêu dùng, trong bối cảnh công ty đang đầu tư xây dựng một nhà máy quy mô lớn chuyên sản xuất, chế biến nông, lâm sản tại huyện Tây Sơn.
Các gian hàng tại phiên chợ Đưa hàng Việt về miền núi tại Vĩnh Thạnh thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm. Ảnh: HẢI YẾN
Đặc biệt, điểm mới của các phiên chợ Đưa hàng Việt về miền núi năm 2024 ngoài việc đưa các sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ trong và ngoài tỉnh tham gia; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định đã phối hợp với các địa phương để tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Tơ Nung, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), cho biết HTX đã mang đến phiên chợ nhiều sản phẩm OCOP 3 sao như măng le rừng, tinh dầu sả, hạt mắc ca và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người tiêu dùng. Sau thành công này, HTX sẽ tiếp tục tham gia các phiên chợ Đưa hàng Việt về miền núi tại Bình Định.
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, các phiên chợ Đưa hàng Việt về miền núi không chỉ là cơ hội để quảng bá sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt, mà còn giúp ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, từ đó bảo vệ quyền lợi của DN và người tiêu dùng. Những hoạt động này cũng đóng góp quan trọng vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo điều kiện để các DN, HTX và hộ sản xuất tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới phân phối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
HẢI YẾN