Nặng lòng với “quê hương thứ hai”
Là người dân tộc Mường, quê gốc ở tỉnh Hòa Bình, nhưng từ 5 tuổi, anh Bùi Ngọc Thanh (SN 1992) đã theo gia đình vào định cư tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Tình yêu và sự gắn bó với văn hóa, thiên nhiên nơi đây đã thôi thúc anh học hỏi, dám làm những điều mới để quảng bá quê hương thứ hai một cách chân thành.
Không ngại thử thách
Với phương châm “tuổi trẻ là để học hỏi, trải nghiệm”, anh Thanh không ngừng trau dồi kiến thức, mạnh dạn theo đuổi những hướng đi, cách làm mới mẻ. Điều này đã giúp anh có những trải nghiệm quý giá…
* Từ đâu anh quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng rau hữu cơ an toàn kết hợp du lịch trải nghiệm?
- Những năm 2018 - 2019, tình cờ tôi biết xu hướng trồng rau an toàn và lân la gặp, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc măng tây, dâu tây ở Ninh Thuận, An Khê (Gia Lai).
Tuy nhiên, ở 2 địa phương trên, đa số người dân trồng trên đất cát. Còn Vĩnh Sơn lại là đất đỏ, đất thịt, khô nhanh, ướt cũng nhanh, không giữ được nước. Hơn nữa, vườn rẫy của gia đình tôi lại dốc, mỗi khi trời mưa đất trôi chảy nhiều, rễ cây phơi nắng, năng suất giảm.
Sau gần 1 năm làm theo kiểu “sai đâu sửa đó”, những chồi măng xanh mướt, trái dâu mọng nước dần xuất hiện. Cuối năm 2022, tôi vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện đầu tư hệ thống điện, nước tưới tự động; bắt đầu mở hình thức du lịch trải nghiệm, bởi muốn du khách cảm nhận Vĩnh Sơn trên nhiều khía cạnh, thay vì chỉ “ngắm cảnh rồi về”.
Cách làm khá mới này đòi hỏi tôi phải đảm bảo sản phẩm lẫn chất lượng phục vụ; không thể vì mình mạnh về nông nghiệp mà cho phép bản thân kém hơn ở mặt còn lại. Thế là tôi trau dồi thêm kiến thức; chia sẻ, trao đổi với du khách cách làm phân bón hữu cơ, thuốc diệt sâu bọ hữu cơ và hướng dẫn họ cùng tham gia trồng và chăm sóc, thu hoạch dâu tây, măng tây. Sau đó, tôi luôn giữ liên lạc và sẵn sàng cung cấp sản phẩm sạch cho du khách khi họ có nhu cầu.
Anh Thanh (phải) tại Lễ tuyên dương Thanh niên DTTS và miền núi khởi nghiệp tiêu biểu năm 2024 do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh: D.L
* Được biết, anh còn sở hữu Fanpage Vĩnh Sơn - Đất và Người. Đây ắt hẳn là điều mới mẻ khác tại xã và với chính bản thân anh?
- Kênh này được tôi thành lập năm 2019 với mong muốn giới thiệu cảnh đẹp, truyền thống văn hóa cũng như các mặt hàng nông sản tiêu biểu của Vĩnh Sơn để bạn bè gần xa biết và tham khảo trước khi đặt tour trải nghiệm. Đồng thời, nó còn giúp lưu trữ hình ảnh, video về vùng đất, con người nơi đây trong cuộc sống đời thường mà tôi thực hiện.
Mấy năm qua, nhờ Vĩnh Sơn - Đất và Người, tôi đã kết nối được với nhiều người bạn hơn, cả trong nước lẫn nước ngoài; chào đón họ đến với Vĩnh Sơn hoang sơ và mang vẻ đẹp rất riêng…
Thực lòng mà nói, việc lập một Fanpage cộng đồng ngày đó với người dân ở Vĩnh Sơn vẫn là điều lạ lẫm. Ngay bản thân tôi cũng thấy việc này dù rất thú vị nhưng đòi hỏi nhiều kỹ năng như quay phim, chụp ảnh và đăng bài thế nào cho rõ, đầy đủ ý… Thuở mới bắt đầu, tôi đã gặp một số khó khăn về vấn đề này.
Tuy nhiên, với tôi, thử thách này phải được chinh phục, vì nếu thành công, đây sẽ là “cánh cửa” giúp thu hẹp khoảng cách giữa Vĩnh Sơn với du khách, đồng thời là “mảnh đất” màu mỡ để người dân trong xã có thể tăng thêm thu nhập thông qua việc mua bán đặc sản địa phương.
Sau nhiều khó khăn, anh Thanh đã trồng thành công cây măng tây tại nhà. Ảnh: NVCC
* Theo anh, để học hỏi và phát triển, người trẻ có nên và dám mạo hiểm?
- Mỗi người đều có lựa chọn riêng, bởi cách làm nào cũng đều có cái hay và cái khó: Nếu chọn cách làm an toàn thì thành công đến muộn hơn, còn mạo hiểm thì thành công đến nhanh hơn. Thành công này là tính về lợi ích kinh tế cho bản thân và cộng đồng, không phải danh tiếng.
Theo tôi, tuổi trẻ cần được học hỏi, đúc kết kinh nghiệm qua mỗi lần vấp ngã và từ đó vực dậy quyết tâm; sau này về già còn “khoe” với con cháu về những gì đã trải qua. Nói cách khác, tôi nghĩ rằng, đôi khi chúng ta nên mạo hiểm một chút, bước ra khỏi vùng an toàn để biết được khả năng của bản thân; từ đó kích thích sự tự lập, tính tự tin và rèn luyện tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm.
Đương nhiên, sự đánh đổi là điều tất yếu, miễn sao vẫn trong phạm vi chấp nhận được. Biết đâu điều ấy mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình và mảnh đất mình sinh sống…
Một số thành tích của anh Bùi Ngọc Thanh: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023”; bằng khen của Tỉnh đoàn về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2023; danh hiệu Thanh niên DTTS và miền núi khởi nghiệp tiêu biểu năm 2023, 2024 do Tỉnh đoàn trao tặng…
Yêu mến, gắn bó với “quê hương thứ hai”
Không phải là nơi cất tiếng khóc chào đời, nhưng từ sớm Vĩnh Sơn đã trở thành một phần tâm hồn của anh Thanh. Bởi vậy, anh luôn tự hào về mảnh đất dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đẹp theo nét rất riêng…
* Anh đã làm gì để quảng bá vẻ đẹp, văn hóa truyền thống ở Vĩnh Sơn?
- Vĩnh Sơn là quê hương thứ hai của tôi. Do vậy, tôi luôn thấy mình cần có trách nhiệm giữ gìn và quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa nơi đây.
Trước hết, những cảnh đẹp thiên nhiên như thác Dơi, thành đá Tà Kơn cùng những lễ hội truyền thống của Vĩnh Sơn được tôi cập nhật trên trang Vĩnh Sơn - Đất và Người thường xuyên.
Hơn nữa, trong tour trải nghiệm của mình, tôi luôn chú trọng việc giới thiệu cho du khách tìm hiểu văn hóa bản địa, thông qua nhiều cách thức, như đưa khách đến nhà một số nghệ nhân để họ hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần Bana Vĩnh Sơn, những câu chuyện cổ, bài Hơ mon, nhạc cụ dân tộc…
Nếu có điều kiện, du khách còn có thể hòa mình vào không gian cồng chiêng, múa xoang bên ánh lửa trại, thưởng thức rượu cần, cảm nhận rõ hơn tình cảm mến khách nồng hậu của người dân nơi đây.
* Được biết, anh còn tham gia CLB Cồng chiêng của xã. Điều gì đưa anh đến quyết định này?
- Mỗi dân tộc đều có nét đặc trưng riêng, dù là Mường hay Bana. Từ nhỏ, tôi đã đến Vĩnh Sơn sinh sống và nảy sinh niềm yêu thích với các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian nơi đây. Vậy nên, mỗi khi làng hay xã tổ chức các hoạt động liên quan đến trình diễn văn nghệ, tôi thường đến giao lưu và có thêm nhiều kiến thức về văn hóa Bana bản địa; cảm nhận rõ hơn về tình yêu mà những thế hệ trước họ dành cho nét đẹp văn hóa của mình.
Nói cách khác, sự say sưa khi chỉ dạy con cháu chỉnh, đánh chiêng, các kỹ thuật múa xoang uyển chuyển, từng bước chân tiến lùi, vũ điệu cầm đao múa khiên như dũng sĩ khi ra trận; hay sự tập trung khi dệt vải, đan đát… của thế hệ trước đã làm tôi gắn bó và muốn tham gia thật nhiều hoạt động ý nghĩa tại đây, mà CLB Cồng chiêng là một trong số đó.
* Theo anh, thế hệ trẻ, nhất là thanh niên vùng DTTS ngày nay cần làm gì để giữ gìn, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống nơi mình đang sống?
- Thời đại ngày nay, khi kinh tế phát triển từng ngày, ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền thì việc lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống có phần khó khăn hơn.
Thế nhưng, may mắn thay, nét đẹp truyền thống của ông cha vẫn còn đó. Ngoài thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở thôn làng, thanh niên nên học hỏi từ thế hệ trước, duy trì và giữ gìn những giá trị văn hóa ấy như một phần cuộc sống, tránh “lai căng”, đánh mất bản sắc văn hóa.
Ít nhất là mỗi khi đi dâu, gặp người khách nào, mình đều có thể tự tin, rành rọt chia sẻ và giải đáp những thắc mắc của du khách về những nhân vật, câu chuyện liên quan đến dân tộc mình.
Dễ hiểu hơn, bản thân mỗi người trẻ cần tự trở thành những hướng dẫn viên nhiệt thành nhất, năng nổ quảng bá quê hương. Có vậy, bản sắc văn hóa dân tộc mới được gìn giữ, tiếp nối mãi về sau…
* Cảm ơn anh! Chúc anh thật nhiều sức khỏe để có thêm trải nghiệm thú vị ở vùng đất Vĩnh Sơn đầy nắng!
DƯƠNG LINH (Thực hiện)