Nhơn Châu phát huy sức mạnh cộng đồng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Sau 10 năm gián đoạn, ngày 16.7 vừa qua, xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) đón một con rùa mẹ lên bãi đẻ trứng. Vì thế, khu vực này tiếp tục được theo dõi để bảo vệ rùa mẹ trong những lần đẻ trứng tiếp theo.
Anh Phạm Văn Tư, nhân viên Cù Lao Xanh Tourist (xã Nhơn Châu), cho biết: “Khu vực rùa đẻ cách khá xa khu dân cư. Vì công việc, tôi thường đưa khách du lịch lên đây nên tranh thủ dạo quanh xem có dấu vết rùa mẹ không, nếu có thì báo ngay cho anh em trong Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã biết”.
Các thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Châu chuẩn bị thả phao để khoanh vùng cần bảo vệ. Ảnh: K.H
Tương tự, “tai mắt” của cộng đồng đang được phát huy rất hiệu quả trong việc bảo vệ rạn san hô, đặc biệt là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt ở biển bãi Trước của xã. Nhờ vậy, nỗi lo về việc khách du lịch đến đảo sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, nhất là rạn san hô dần bị đẩy lùi. Đều đặn 3 buổi sáng trong một tuần, tầm hơn 6 giờ, loa phát thanh của xã đọc tin, bài tuyên truyền về lợi ích của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cùng những hành vi vi phạm, mức phạt theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Xã còn tổ chức tuyên truyền những quy định liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hình thức tập trung tại trụ sở thôn, xã; đến gặp trực tiếp người dân và dựng pa nô, biển cảnh báo ở những khu vực cấm, khu vực có đông người tụ tập.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban đại diện Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Châu, giải pháp “mưa dầm” đang “thấm lâu và thấm sâu” vào từng người dân trong xã. Nhờ đó, không chỉ người dân cảnh báo nhau mà còn nhắc nhở du khách không đi vào những khu vực được bảo vệ. “Du khách nào không để ý, đi vào khu vực được bảo vệ sẽ được người dân nhắc nhở ngay. Nếu du khách không dừng thì người dân sẽ gọi báo Tổ chức cộng đồng. Tình trạng chờ thủy triều rút, người dân đi lượm hải sản ở khu vực lân cận vùng được bảo vệ cũng hầu như không còn”, ông Bé cho biết.
Từ ý thức được nâng lên, người dân trong xã khi đánh bắt hải sản mà kéo phải rùa, vội thả lại biển ngay. Bên cạnh đó, mọi người cùng giữ gìn rạn san hô, bởi họ hiểu rằng công tác bảo tồn tốn kém chi phí, công sức và mất rất nhiều thời gian. Giữ lại các rạn san hô để các loại cá nhỏ có nơi trú ngụ, sinh nở; phục vụ việc bảo tồn, nghiên cứu và còn thu hút khách du lịch, thu được lợi nhuận cho người dân và địa phương...
KHÁNH HUÂN