HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa: Hướng tới nông nghiệp số
HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn) đang bắt đầu hành trình chuyển đổi số với việc áp dụng mã vùng trồng và hệ thống truy xuất thông tin, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, tâm sự: Chúng tôi như đang đứng trước ngưỡng cửa của một giai đoạn mới. Mặc dù con đường phía trước còn nhiều thách thức nhưng chúng tôi tin rằng đây là hướng đi đúng đắn để nâng tầm nông sản địa phương.
Làng rau Thuận Nghĩa từ lâu đã được coi là điển hình của nông nghiệp truyền thống tại Bình Định. Bước ngoặt bắt đầu từ năm 2013 khi HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa chuyển từ canh tác truyền thống sang sản xuất theo quy trình an toàn và được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu “Lá Lành”. Từ đó, HTX đã thực hiện liên kết chuỗi, tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Rau ở Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: H.G
Sự thay đổi này không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn tạo nền tảng vững chắc để HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa được cấp mã số vùng trồng nội địa vào tháng 2.2023. Ông Quách Văn Cầu cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã được tập huấn về triển khai mã vùng trồng, bao gồm cập nhật thông tin, sử dụng nhật ký sản xuất trực tuyến và gắn mã QR cho sản phẩm. Điều này đã giúp nâng cao năng lực cũng như sự tự tin của nông dân trong việc sử dụng công nghệ mới.
Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng Phòng Quản lý Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT) chia sẻ: Mã số vùng trồng được ví như “căn cước công dân” của mỗi vùng sản xuất. Với mã số này, mỗi củ cà rốt, mỗi bó rau muống từ làng rau Thuận Nghĩa đều có thể “kể lên câu chuyện” về nguồn gốc của mình.
Sau khi được cấp mã số vùng trồng, mỗi đơn vị sẽ được cấp một tài khoản để cập nhật nhật ký sản xuất trực tuyến. Mọi thông tin về giống, gieo trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều được ghi chép chi tiết, giúp theo dõi và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nếu có vấn đề phát sinh, HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa và cơ quan quản lý có thể nhanh chóng xác định nguyên nhân và khắc phục kịp thời. Ngoài ra, mỗi lô hàng sẽ được gắn mã QR, giúp người tiêu dùng quét mã để truy xuất thông tin sản phẩm. Quy trình sản xuất công khai này giúp HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa chứng minh chất lượng và tăng niềm tin từ người tiêu dùng.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất, HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa đang hướng tới mở rộng hoạt động bằng cách kết hợp công nghệ với du lịch nông nghiệp thông qua hệ thống truy xuất thông tin cho điểm du lịch cộng đồng tại làng rau Thuận Nghĩa. Người dân và du khách chỉ cần cầm điện thoại quét mã QR là có thể tìm thấy thông tin về lịch sử hình thành, hoạt động sản xuất, di tích và điểm tham quan tại làng rau Thuận Nghĩa. Đồng thời, còn có thể truy xuất thông tin về các sản phẩm OCOP và sản phẩm sạch đạt chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Tây Sơn. Hệ thống không chỉ là phương tiện quảng bá sản phẩm, mà còn là cách để kể câu chuyện về làng rau Thuận Nghĩa theo một cách sinh động và trực quan. Điều này không chỉ làm nổi bật các sản phẩm rau sạch mà còn giúp xây dựng hình ảnh của làng rau Thuận Nghĩa như một điểm đến hấp dẫn, kết hợp giữa di sản nông nghiệp và sự đổi mới công nghệ.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn, cho rằng: Việc xây dựng hệ thống truy xuất thông tin cho điểm du lịch cộng đồng làng rau Thuận Nghĩa là bước đi cần thiết. Nó không chỉ quảng bá địa điểm này đến du khách, phục vụ tuyên truyền và quảng bá du lịch trên địa bàn huyện Tây Sơn mà còn góp phần nâng tầm giá trị, thương mại hóa sản phẩm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tuy vậy, để chuyển đổi nông nghiệp số thành công, HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa cần vượt qua nhiều thách thức, nhất là đầu tư vào công nghệ, đào tạo nhân lực và thay đổi tư duy sản xuất của nông dân để chấp nhận công nghệ mới. Đây là các yếu tố quyết định để phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm của làng rau Thuận Nghĩa.
HƯƠNG GIANG